Điểm đến Gia Lai

Lần đầu đến Kbang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đã qua nhiều năm rồi nhưng tôi vẫn nhớ mãi lần về công tác tại huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) hồi năm 1988. Đúng là một kỷ niệm khó quên.

Bây giờ thì từ quốc lộ 19 có nhiều con đường vào huyện như đường Trường Sơn Đông hoặc đi từ cầu sông Ba ngang qua Nhà máy Đường rồi qua xã Kông Bơ La giữa cánh đồng mía bạt ngàn; từ Song An vào theo tỉnh lộ 669. Nhưng ngày ấy thì chỉ một con đường vào Kbang là từ ngã ba Đồng Găng, An Khê.

Một góc thị trấn Kbang nhìn từ trên cao. Ảnh: Phan Nguyên

Một góc thị trấn Kbang nhìn từ trên cao. Ảnh: Phan Nguyên

Thời gian này, tôi công tác ở Trường Bồi dưỡng nghiệp vụ giáo dục huyện Chư Păh. Bấy giờ, nhà trường dùng chung cơ sở và trực thuộc Phòng Giáo dục huyện, biên chế chỉ 5 người gồm: hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và 3 giáo viên, hầu hết đều là giáo viên dạy giỏi.

Sáng sớm, chúng tôi xuất phát từ thị trấn huyện Chư Păh lên xe đò ra đến Pleiku rồi chuyển sang xe khách đi Quy Nhơn. Đến ngã ba Đồng Găng lại xuống và tiếp tục lên xe đò vào huyện. Những năm đó, đường sá thì xuống cấp, lắm ổ gà, ổ voi; xe thì chở cả người và hàng hóa, lại thường dừng bắt khách dọc đường. Đi từ sáng sớm nhưng mãi đến quá nửa buổi chiều trong ngày mới đến được Kbang dẫu quãng đường chỉ hơn 100 km.

Năm ấy, Kbang vừa chuyển trung tâm huyện từ xã vùng sâu Sơ Pai ra Ka Nak nên cơ sở còn nghèo nàn, ngoại trừ trục đường chính được rải lớp nhựa mỏng, các con đường còn lại đều là đường đất lổn nhổn đá sỏi.

Mặc dù đã có Liên hiệp Xí nghiệp Lâm công nghiệp Kon Hà Nừng (Đoàn 332) đặt cơ sở tại Ka Nak nhưng lúc này thị trấn vẫn chưa được thành lập mà còn thuộc địa giới hành chính xã Đông. Dân cư khá mỏng, chủ yếu là gia đình cán bộ, công nhân của Đoàn 332, nhà cửa thưa thớt, tạm bợ, phần lớn lợp bằng tôn hoặc lợp tranh, vách ván (Đầu năm 1989, thị trấn Kbang mới có quyết định thành lập).

Khu vực trung tâm huyện nằm giữa một thung lũng rộng, những ngọn đồi xanh sẫm cây rừng bao bọc xung quanh. Đêm về khuya, chúng tôi vẫn nghe được tiếng con mang tác, tiếng nước đổ qua thác Hang Dơi vọng về. Buổi sáng thức dậy, khí trời se lạnh. Cả thung lũng chìm trong màn sương mù khá dày, cảnh vật mờ ảo, bềnh bồng trong sương mai.

Du khách khám phá thác 50 (huyện Kbang). Ảnh: Hoàng Ngọc

Du khách khám phá thác 50 (huyện Kbang). Ảnh: Hoàng Ngọc

Người tôi gặp đầu tiên ở Phòng Giáo dục huyện Kbang là anh Nguyễn Văn Minh-Trưởng phòng. Anh Minh là bạn cùng lớp, cùng phòng ở khu nội trú sư phạm với tôi. Anh kể: Sau khi ra trường đầu tháng 1-1977, anh nhận quyết định về công tác ở huyện An Khê. Đến khi An Khê tách các xã phía Bắc ra thành lập huyện Kbang, anh được tăng cường vào đây.

Thật là một cuộc hội ngộ cảm động, bởi từ khi ra trường đến lúc ấy đã 10 năm chúng tôi mới gặp lại nhau. Ngày đó, gọi điện thoại đường dài là chuyện hiếm, ai có việc cần đều phải đến bưu điện đánh điện tín nên hầu như mọi liên lạc đều bằng thư, cho nên chúng tôi “bặt vô âm tín” là chuyện bình thường. Chiều muộn hôm ấy, chúng tôi ăn cơm ở nhà anh Minh, ngôi nhà cũng lợp tôn, vách thưng ván dựa vào sườn đồi.

Ngày hôm sau, đoàn chúng tôi phải thuê xe lam từ Ka Nak ra Trường Nội trú đóng tại xã Đông để làm việc. Tôi là cán bộ huyện khác cử đến nên làm Chủ tịch Hội đồng coi thi học sinh giỏi cấp tỉnh ở huyện Kbang; anh Trần Vĩnh Hương-Cán bộ Phòng Giáo dục Kbang làm Phó Chủ tịch (năm đó chưa có chức danh chuyên viên). Các thí sinh (lớp 5 và lớp 9) dự thi khoảng vài chục em, hơn một nửa là con em cán bộ, công nhân Đoàn 332 và con em xã Đông, xã Nghĩa An; số còn lại là các em người Bahnar.

Sau này, mãi đến khi chuyển sang làm báo, tôi mới có dịp trở lại Kbang. Lúc này, huyện đã thay đổi nhiều. Nhiều người bạn của tôi đều đã trưởng thành, là những cán bộ chủ chốt của địa phương. Anh Nguyễn Văn Minh là Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy, sau đó thì chuyển công tác về Bình Định. Anh Trần Vĩnh Hương sau đó là Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện.

Khu trung tâm huyện giờ là thị trấn Kbang sầm uất, nhà cửa, hàng quán san sát với hàng trăm con đường nội thị rộng rãi, trải nhựa phẳng lì. Kbang cũng không còn là “ốc đảo” như trước kia, không chỉ hệ thống giao thông thông suốt với các địa phương trong tỉnh và Bình Định mà còn thông thương với Kon Tum, Quảng Ngãi.

Khai thác thế mạnh về du lịch với hàng chục thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ như thác K50, thác Kon Bông; các khu di tích quốc gia nổi tiếng như: Vườn Mít-Cánh đồng Cô Hầu, Khu lưu niệm Anh hùng Núp… Kbang còn là xứ sở của mía, mắc ca cùng hàng chục loài lâm sản đặc hữu dưới tán rừng.

Mỗi khi có dịp về đây, thị trấn buổi sáng vẫn êm đềm, bàng bạc sương mai làm tôi không khỏi nhớ lại một Kbang năm ấy.

Có thể bạn quan tâm