Sức khỏe

Lần đầu tiên thực hiện ca ghép gan cho trẻ mắc hội chứng hiếm gặp Budd Chiari

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Bác sỹ chuyên khoa 2 Bùi Hải Trung, Phó Trưởng khoa Gan-Mật-Tụy và Ghép gan chia sẻ ca ghép gan cho bệnh nhi gặp hội chứng Budd Chiar không chỉ hiếm gặp ở Việt Nam mà hiếm gặp cả ở trên thế giới.
Bác sỹ Bệnh viện Nhi đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện ca phẫu thuật ghép tạng trẻ em. (Ảnh: TTXVN phát)









Bác sỹ Bệnh viện Nhi đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện ca phẫu thuật ghép tạng trẻ em. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 10/7, thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đơn vị này vừa thực hiện ca ghép gan cho một bệnh nhi 3 tuổi gặp hội chứng Budd Chiari - một hội chứng bất thường về hệ thống mạch máu chỉ xảy ra 1/1.000.000 người.

Đây là ca ghép gan cho bệnh nhi mắc hội chứng hiếm gặp Budd Chiari đầu tiên tại Việt Nam và là ca ghép gan thứ 36 tại Bệnh viện Nhi đồng 2.

Bác sỹ Nguyễn Hồng Vân Khánh, Phó Trưởng khoa Gan-Mật-Tụy và Ghép gan, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết bé gái 3 tuổi ngụ tỉnh Bình Thuận, được chẩn đoán bị hội chứng Budd Chiari khiến các tĩnh mạch dẫn máu ra khỏi gan bị hẹp hoặc bị tắc.

Tiến hành chụp CT, các bác sỹ không tìm thấy tĩnh mạch chủ dưới sau gan của bệnh nhi. Khi tiến hành thông tim, bệnh nhi bị tắc hoàn toàn tĩnh mạch chủ dưới đoạn dài 3cm. Bệnh nhi còn bị giãn tĩnh mạch thực quản, xơ gan, thoái hóa nhu mô gan và xuất huyết.

Trước thời điểm ghép gan, bệnh nhi xuất huyết tiêu hóa nhiều lần, phải nhập viện điều trị nội khoa nhiều đợt. Đến đầu năm 2024, bệnh nhi chuyển sang giai đoạn xơ gan, suy gan nên các bác sỹ chỉ định ghép gan.

Trong quá trình ghép gan cho bệnh nhi, các bác sỹ xác định bệnh nhi có nguy cơ xuất hiện huyết khối sau ghép, phải dùng thuốc kháng đông kéo dài. Bệnh nhi có tuần hoàn bàng hệ nhiều, việc bóc tách sẽ khó khăn. Ngoài ra, bệnh nhân có bất thường tĩnh mạch chủ dưới, cần phải tiến hành nối mạch máu trong quá trình phẫu thuật.

Sau 8 ngày ghép gan, bệnh nhi đã ăn được bằng đường miệng không cần hỗ trợ. Hiện, sức khỏe bệnh nhi hồi phục dần.

Bác sỹ chuyên khoa 2 Bùi Hải Trung, Phó Trưởng khoa Gan-Mật-Tụy và Ghép gan chia sẻ ca ghép gan này không chỉ hiếm gặp ở Việt Nam mà hiếm gặp cả ở các nước trên thế giới. Việc thực hiện ca ghép này khá mạo hiểm. Trong ca ghép, việc nối động mạch gan rất quan trọng. Khi trẻ bị biến chứng huyết khối động mạch sau mổ ghép gan, tỷ lệ tử vong lên tới 20%.

Trước đó, ca ghép gan cho trẻ em đầu tiên được thực hiện tại Bệnh viện Nhi đồng 2 vào tháng 5/2005. Tuy nhiên, trong thời gian đầu, do nhiều hạn chế về nhân lực, trang thiết bị, số lượng ca ghép gan của đơn vị này vẫn còn rất khiêm tốn. Hoạt động ghép tạng, trong đó có ghép gan tại Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng có một thời gian bị gián đoạn do các điều kiện khách quan.

Sau COVID-19, bệnh viện đã đẩy mạnh hoạt động ghép gan cho trẻ em. Đến nay, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã thực hiện được 36 ca ghép gan, 30 ca ghép thận.

Dự kiến đến ngày 30/4/2025, bệnh viện sẽ đưa vào hoạt động Trung tâm ghép tạng trẻ em khu vực phía Nam và sẽ triển khai ghép tim trẻ em, bên cạnh ghép gan, ghép thận, ghép tế bào gốc thường quy.

Tiến sỹ, bác sỹ Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết hiện có khoảng 200 trẻ em bị suy gan đang chờ được ghép gan tại Bệnh viện Nhi đồng 2, trong đó có 20 trẻ đã có nguồn tạng hiến.

Khác với trẻ bị suy thận vẫn còn các phương án điều trị thay thế thì đối với trẻ bị suy gan, chỉ có phương án ghép gan mới duy trì được mạng sống.

Trong khi đó, thời gian chờ của trẻ suy gan được coi là “thời gian vàng," nếu không được ghép trong thời gian này thì trẻ sẽ tử vong. Thực tế, đã có nhiều trẻ không chờ được đến ngày ghép gan và đã tử vong.

Do đó, từ nay đến khi Trung tâm ghép tạng trẻ em ra đời, các bác sỹ Bệnh viện Nhi đồng 2 sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động ghép gan để cứu sống được nhiều trẻ em hơn nữa./.

Có thể bạn quan tâm