Sức khỏe

Lần đầu Việt Nam điều trị thành công bệnh ung thư hạch bằng 2 kỹ thuật cao

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Bệnh nhân N.H.O (46 tuổi, ngụ Bình Dương) mắc ung thư hạch đã được điều trị thành công bằng 2 kỹ thuật cao tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM).

Tại buổi họp báo chiều 27.9, tiến sĩ, bác sĩ Trần Thanh Tùng, Trưởng khoa Huyết học, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết trước đó ngày 6.7.2022, khoa Huyết học, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận bệnh nhân O. với chẩn đoán U lympho không Hodgkin vỏ nang tái phát kháng trị với nhiều phác đồ.

Khai thác bệnh sử cho thấy, bệnh nhân phát hiện vùng cổ xuất hiện hạch nên đi khám, kết quả chẩn đoán cho thấy đó là ung thư hạch (hay còn gọi là lymphoma). Tại cơ sở y tế đầu tiên, bệnh nhân đã được điều trị đầu tiên bằng phương pháp hóa trị đơn thuần.

Sau 4 năm, bệnh nhân bị tái phát 2 lần và được hóa trị, bệnh vẫn đáp ứng. Năm 2021, bệnh nhân bị tái phát lần 3, lúc này liệu pháp điều trị không còn đáp ứng nữa.

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, đánh giá đây là trường hợp ung thư hạch tái phát và kháng trị nên ê kíp điều trị quyết định chọn những phương pháp điều trị mới cho bệnh nhân. Vì vậy, sau hội chẩn, ê kíp điều trị đã quyết định thực hiện đồng thời 2 kỹ thuật phác đồ điều kiện hóa diệt tủy có xạ trị toàn thân (TBI) để điều trị cho bệnh nhân.

Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ tại họp báo. Ảnh: Lê Cầm
Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ tại họp báo. Ảnh: Lê Cầm

Theo ê kíp điều trị, nếu muốn xử lý triệt để các tế bào ung thư, trước tiên, bệnh nhân cần được hóa trị để làm sạch các tế bào ung thư. Sau đó, TBI giống như một vũ khí sẽ quét sạch các tế bào còn sót lại ẩn giấu trong cơ thể. Cuối cùng, bệnh nhân được ghép các tế bào máu mới thì sẽ được (chữa khỏi) ổn định. Vì vậy, bệnh nhân O. đã được áp dụng phác đồ điều trị với 3 ngày liên tục xạ trị toàn thân, mỗi ngày 2 lần (sáng và chiều), mỗi lần từ 35 - 40 phút.

Sau điều trị, bệnh nhân được theo dõi và triển khai ghép tế bào gốc đồng loài. Sau ghép tế bào gốc 30 ngày, bệnh nhân được đánh giá là ghép thành công và 45 ngày sau ghép thì được xuất viện.

Hiện nay, sau điều trị, sức khỏe bệnh nhân ổn định, đã đi làm và quay trở lại với cuộc sống sinh hoạt thường ngày.

Phương pháp xạ trị toàn thân TBI. Ảnh: BVCC

Phương pháp xạ trị toàn thân TBI. Ảnh: BVCC

Tiến sĩ, bác sĩ CKII Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, có thể nói, với vai trò tiên phong phối hợp đồng thời 2 kỹ thuật cao, chuyên sâu để điều trị thành công cho bệnh nhân bị ung thư hạch, Bệnh viện Chợ Rẫy đã mở ra cơ hội cho các bệnh nhân ung thư, bởi phương pháp này ít tác dụng phụ, ít biến chứng và thời gian nằm viện cũng ngắn hơn... Trong tương lai, hy vọng rằng sẽ có sự kết hợp giữa Bệnh viện Chợ Rẫy với các bệnh viện huyết học để tăng cường hiệu quả điều trị cho các bệnh nhân bệnh ung thư máu, góp phần cải thiện được chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Bác sĩ Lê Tuấn Anh, Trưởng Trung tâm Ung Bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, sở dĩ phải xạ trị toàn thân vì đặc điểm ung thư hạch, các tế bào ung thư len lỏi các mạch máu, thậm chí ở các vị trí như tinh hoàn, tế bào ung thư trốn khó tìm thấy. Do đó buộc phải xạ trị toàn thân giúp tiêu diệt tế bào ung thư triệt để.

Bác sĩ CK II Lê Phước Đậm, khoa Huyết học, cho biết thông thường một ca ghép tế bào gốc đồng loài dao động từ 200 - 400 triệu đồng. Với trường hợp bệnh nhân này, tổng chi phí là 270 triệu đồng, bảo hiểm thanh toán 170 triệu, bệnh nhân chỉ chi trả khoảng 100 triệu đồng.

Ngoài ra, áp dụng phương pháp TBI ít biến chứng, thời gian nằm viện chỉ 1,5 tháng, trước đây thông thường phải mất 2-3 tháng.

TBI là gì?

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thanh Tùng cho biết, TBI là phương pháp có từ năm 1900 trên thế giới và chỉ định trong điều trị ung thư từ năm 1950. TBI được chỉ định điều trị cho một số bệnh lý ung thư mang tính chất lan tỏa toàn thân như ung thư về hệ thống huyết học, bạch cầu cấp hoặc là lymphoma có di căn hạch nhiều nơi. TBI viết tắt từ Total Body Irradiation, là xạ trị toàn cơ thể. Với ưu điểm là xạ trị ở tất cả các vị trí trong cơ thể nhằm kiểm soát các tế bào của bệnh ung thư, góp phần khắc phục một số nhược điểm của hóa trị kinh điển.

Ghép tế bào gốc tức là lấy tế bào máu gốc truyền cho bệnh nhân. Có 2 phương pháp là tự ghép (lấy tế bào gốc của chính bệnh nhân) và dị ghép (còn gọi là ghép đồng loài, nghĩa là lấy tế bào gốc của một người phù hợp với bệnh nhân để truyền cho bệnh nhân). Bệnh nhân O. tái phát kháng trị nên không thể lấy tế bào gốc của mình vì trong máu bệnh nhân còn tế bào ung thư. Do đó, bắt buộc phải áp dụng phương pháp ghép tế bào gốc đồng loài. May mắn là chị ruột của bệnh nhân có các chỉ số phù hợp nên đã tặng tế bào máu gốc cho bệnh nhân O.

Có thể bạn quan tâm