Thời sự - Bình luận

Lan tỏa thông điệp đón Tết đầm ấm, an toàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với người Việt Nam, Tết là dịp sum vầy, đoàn tụ. Dù đi đâu, làm gì, ngày Tết ai cũng mong trở về để được sống trong không khí ấm áp của tình thân. Chính vì vậy, khó khăn đến mấy, mọi người cũng muốn về ăn cái Tết quê. Thế nhưng, làm gì để mọi người được về quê đón Tết mà vẫn bảo đảm an toàn cho mình và cộng đồng, trong bối cảnh thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 là điều mà xã hội rất quan tâm lúc này.  

Nhìn số F0 trong cả nước cứ 15-16 ngàn ca mỗi ngày, có thể hiểu được nỗi lo của chính quyền các địa phương khi chỉ còn hơn 10 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán. Có tỉnh thì ra văn bản; tỉnh thì có thư ngỏ để vận động bà con không về quê hoặc không về sớm. Cùng với đó là nêu một số yêu cầu cụ thể về xét nghiệm, cách ly, theo dõi sức khỏe, hạn chế tiếp xúc…

Tết trọn vẹn, đầm ấm, yên vui phải là Tết an toàn. Ảnh: Quang Tấn


Dù biểu hiện bằng cách gì thì cuối cùng vẫn là sự lo lắng và mong muốn của chính quyền các địa phương sao cho địa bàn mình phụ trách, người dân được đón một cái Tết an toàn trong điều kiện dịch bệnh còn lây lan phức tạp.

Có thể hiểu và thông cảm với điều ấy của các nhà quản lý. Nhưng xét ở khía cạnh người dân xa quê thì ngày Tết không được trở về quê hương, vui vầy với gia đình, người thân quả là không dễ dàng. Dù không cấm đoán, nhưng việc một số địa phương đưa ra thư ngỏ hay khuyến cáo người dân không nên về quê ăn Tết, cũng sẽ gây ra những tác động không nhỏ tới tâm lý của mỗi người. Chạnh lòng, cảm giác không được chào đón khi về quê khiến người ta dễ tủi thân. Không ít người lo sợ khi về quê sẽ làm phiền, thậm chí trở thành gánh nặng, ảnh hưởng đến họ hàng, người thân tại quê nhà.

Hiệu quả sau 3 tháng thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ đã rõ. Dịch Covid-19 vẫn còn lây lan. Đó là một thực tế. Nhưng độ phủ vắc xin Covid-19 của nước ta trong nhóm nhanh nhất thế giới cũng là một thực tế cần ghi nhận.

Chúng ta đã có điều kiện để sống chung an toàn với dịch. Không chủ quan, nhưng cũng không sợ hãi, dẫn đến những quyết định thái quá, cực đoan, không còn phù hợp với bối cảnh hiện tại. Vắc xin-tấm khiên bảo vệ con người khỏi sự tấn công của Covid đã bao phủ trên 90% dân số. Vấn đề lúc này là phải xác định nhóm người cần bảo vệ cụ thể. Đó là những người không thể tiêm, chưa có điều kiện tiêm, người già, những người bị bệnh nền và sức khỏe không tốt… để có giải pháp bảo vệ phù hợp.  

Các chuyên gia dịch tễ cho rằng, chấp nhận chuyển trạng thái, “mở ra” là xác định phải đối mặt với rủi ro nhất định khi giao lưu, tiếp xúc nhiều. Vấn đề hiện nay là quản lý sự thay đổi ấy cho thật tốt để đảm bảo nội dung, mục đích của Nghị quyết 128 được thực hiện nhất quán.

Lo sợ thái quá sẽ biến những “sáng kiến” thích ứng linh hoạt với dịch bệnh dễ trở thành “tối kiến”. Những biểu hiện sợ trách nhiệm, máy móc trong triển khai phòng-chống dịch như một số địa phương thời gian qua sẽ là rào cản của quá trình “bình thường mới”.

Một cái Tết trọn vẹn đầm ấm yên vui phải là một cái Tết an toàn. Nhưng an toàn không có nghĩa là “ngăn sông cấm chợ”.

Không để đường về của dân thêm xa; không để người dân xa quê không được hưởng một cái Tết đầm ấm bên gia đình, người thân. Các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng, chủ trương dang rộng vòng tay đón người dân về quê đón Tết bình thường, không phải cách ly hay cần giấy xét nghiệm. Người từ địa phương khác về quê đón Tết chỉ cần khai báo y tế. Những trường hợp có triệu chứng như ho, sốt hoặc nghi ngờ thì phải báo với cơ quan y tế để thực hiện các biện pháp test nhanh kháng nguyên Covid-19.

Tết nào vui bằng Tết đoàn viên! Nhiều khi chỉ đơn giản được nhìn nhau trong bữa cơm gia đình chiều 30 Tết cũng đã khiến những người con xa quê ấm lòng. Vì vậy, không làm khó người dân, thay vào đó là truyền đi thông điệp “đón Tết an toàn”, “đón Tết vui tươi, đầm ấm” chính là cách ứng xử nhân văn nhất mà chính quyền các địa phương có thể làm đối với người dân lúc này.

 

 ĐÌNH CƯƠNG
 

Có thể bạn quan tâm