Kinh tế

Nông nghiệp

Làng Đê Tar hưởng lợi từ rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với nội dung tuyên truyền dễ hiểu, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã giúp người dân làng Đê Tar (xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang) hiểu biết thêm về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), từ đó nâng cao ý thức bảo vệ rừng. Cũng nhờ thụ hưởng chính sách này, cộng đồng làng có thêm nguồn thu nhập ổn định để từng bước cải thiện cuộc sống.
Giúp dân hiểu hơn về chính sách chi trả DVMTR
Nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về chính sách chi trả DVMTR, đại diện Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến người dân làng Đê Tar một số nội dung cơ bản về vai trò, tác dụng của rừng đối với đời sống; quyền lợi và nghĩa vụ của chủ rừng là cộng đồng dân cư trong công tác quản lý, bảo vệ rừng gắn với chính sách chi trả DVMTR; những hành vi vi phạm liên quan đến rừng bị pháp luật nghiêm cấm. Tại buổi tuyên truyền, người dân còn được hiểu cặn kẽ hơn chính sách chi trả DVMTR qua phần giao lưu “Hỏi-đáp-nhận quà”. 
Cùng với việc được tiếp nhận thông tin mới trong thực hiện chính sách chi trả DVMTR, người dân còn được hướng dẫn cách quản lý, sử dụng nguồn tiền chi trả hợp lý, hiệu quả và đúng mục đích. Ông Đinh Sưr-Tổ trưởng tổ bảo vệ rừng làng Đê Tar-cho rằng, được tuyên truyền, giải thích, cộng đồng dân cư ở đây đều hiểu chính sách chi trả DVMTR giúp họ cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập và có cuộc sống ổn định từ việc tham gia giữ rừng. “Do vậy, chúng tôi phải có trách nhiệm tham gia bảo vệ rừng, không để xảy ra cháy rừng hay các hành vi xâm hại rừng”-ông Sưr nói.
Người dân làng Đê Tar (xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang) tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: M.N
Người dân làng Đê Tar (xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang) tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: M.N
Theo ông Lương Đình Trọng-Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, tuyên truyền, phổ biến chính sách chi trả DVMTR là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị. Việc sử dụng hiệu quả nguồn tiền chi trả DVMTR không chỉ giúp cải thiện đời sống mà còn góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của chủ rừng là cộng đồng dân cư trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. “Chúng tôi sử dụng hình thức tuyên truyền cụ thể, ngắn gọn, dễ hiểu và có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với nhóm đối tượng chủ rừng tại các thôn, làng. Đồng thời, huy động người dân tham gia tuần tra, bảo vệ rừng một cách thường xuyên, ngăn ngừa tình trạng lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy hoặc xâm hại rừng. Từ đó, tạo chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng”-ông Trọng khẳng định.
Cộng đồng làng hưởng lợi từ rừng
Theo ông Đinh Bới-Trưởng thôn Đê Tar, thôn có 163 hộ tham gia quản lý, bảo vệ gần 2.100 ha rừng, thu nhập bình quân từ tiền chi trả DVMTR trên 10 triệu đồng/hộ/năm. Từ năm 2006, làng được chọn thí điểm giao đất, giao rừng; đến năm 2014 thì được hỗ trợ tiền bảo vệ rừng từ nguồn DVMTR. Từ khi được giao đất, giao rừng, người dân đã nhận thức tốt hơn về công tác quản lý, bảo vệ rừng. Cộng đồng làng đã thành lập 7 tổ quản lý, bảo vệ rừng, mỗi tổ từ 10 đến 27 người thường xuyên tuần tra, kiểm soát diện tích rừng được giao quản lý.
Theo ông Bới, thời gian gần đây, một số đối tượng vào làng dụ dỗ người dân khai thác gỗ trái phép tại khu vực rừng do cộng đồng làng nhận khoán bảo vệ. “Chúng tôi tổ chức họp, vận động, nhắc nhở bà con chung tay bảo vệ rừng; phân tích cho bà con hiểu được lợi ích của việc tham gia bảo vệ rừng là mang lại nguồn thu nhập đáng kể góp phần cải thiện đời sống. Đồng thời, nhờ chính quyền xã vận động, can thiệp xử lý, có biện pháp răn đe đối tượng có hành vi xâm hại rừng. Nhờ cách làm này, tình trạng lấn chiếm đất rừng làm rẫy, khai thác gỗ trái phép trong khu vực rừng của làng quản lý đã không còn xảy ra”-ông Bới thông tin.
Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh hỗ trợ làng Đê Tar 50 cây Dầu rái trồng tại trung tâm làng. Ảnh: M.N
Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh hỗ trợ làng Đê Tar 50 cây Dầu rái trồng tại trung tâm làng. Ảnh: M.N
Trao đổi xung quanh vấn đề này, ông Võ Đình Huy-Phó Chủ tịch UBND xã Kon Chiêng-khẳng định: Nguồn tiền DVMTR mà hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được nhận tương đối lớn so với thu nhập của người dân, từ đó đã huy động được đông đảo bà con tham gia bảo vệ rừng. Qua thực tế triển khai thực hiện, diện tích rừng được giao bảo vệ phát triển ngày càng tốt hơn. Đặc biệt, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số sống gần rừng từng bước được ổn định và nâng cao.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND xã Kon Chiêng, hàng năm, cộng đồng làng Đê Tar được hưởng lợi từ 3 nguồn hỗ trợ tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Đó là nguồn chi trả từ tiền DVMTR và từ Nghị định 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ về “Cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020” với số tiền hàng năm hơn 835,6 triệu đồng (đơn giá 400.000 đồng/ha/năm). Thứ ba là nguồn chi từ dự án “Bảo vệ và quản lý tổ hợp các hệ sinh thái rừng thuộc các tỉnh Quảng Nam, Gia Lai và Kon Tum” (gọi tắt là dự án KfW10) do Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ trong vòng 5 năm với hơn 4 tỷ đồng. “Toàn bộ số tiền trên được chuyển trực tiếp vào tài khoản cho cộng đồng quản lý và sử dụng dưới sự giám sát của UBND xã và Ban Giám sát cộng đồng xã. Việc chi trả chủ yếu chia cho các hộ dân, chi hỗ trợ các tổ tuần tra quản lý, bảo vệ rừng, đầu tư các công trình phúc lợi công cộng của làng và thành lập quỹ hỗ trợ những hộ nghèo vay vốn để phát triển sản xuất. Quỹ này hiện có trên 200 triệu đồng”-ông Huy nói.
MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm