Phóng sự - Ký sự

Làng mai khởi sắc giữa chốn bưng biền

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Làng mai xã Tân Tây (huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An) đang khoác lên mình “tấm áo mới” với những ngôi nhà tiền tỷ kiểu dáng hiện đại, khang trang. Hết thảy là nhờ mai, một loại cây không chỉ rực sắc vàng, mà còn cho “vị ngọt” ở chốn bưng biền này.

Ông Phạm Văn Từ với cây mai trị giá hàng chục triệu đồng ở làng mai Tân Tây
Ông Phạm Văn Từ với cây mai trị giá hàng chục triệu đồng ở làng mai Tân Tây.
Mười hai tháng trong năm hoa mai vẫn nở vàng rực, người mua mai vẫn dập dìu không kể ngày thường hay giáp tết. Xe tải, xe ba gác máy đậu san sát bên đường, vỏ lãi chen chúc dưới sông, tất cả đều chất đầy mai. Thoát nghèo, làng mai xã Tân Tây (huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An) đang khoác lên mình “tấm áo mới” với những ngôi nhà tiền tỷ kiểu dáng hiện đại, khang trang. Hết thảy là nhờ mai, một loại cây không chỉ rực sắc vàng, mà còn cho “vị ngọt” ở chốn bưng biền này.
Chuyên bán sỉ
Cách đây hơn 30 năm, làng mai này còn là cánh đồng phèn mặn, mỗi năm 4 tháng ngập trong nước lũ. Từ chương trình “Khai hoang, lấp kín Đồng Tháp Mười”, với rất nhiều nỗ lực xả phèn, rửa mặn, cải tạo đất, tỉnh Long An đã biến vùng đất trũng hoang vu thưa thớt bóng người thành vùng đất màu mỡ với bạt ngàn rừng tràm đan xen những ruộng lúa, những cánh đồng khoai mỡ xanh mướt. Nhiều năm trở lại đây, khi nhắc đến vùng Đồng Tháp Mười thuộc tỉnh Long An, người ta hay nhắc đến làng mai Tân Tây nằm ven quốc lộ 62, cách TP Tân An khoảng 20km.
Có mặt tại làng mai khi Tết Nguyên đán 2023 cận kề, cả cánh đồng với những liếp mai vàng thẳng tắp kéo dài mút tầm mắt. Thương lái từ các tỉnh miền Tây, miền Trung, thậm chí từ các tỉnh phía Bắc xa xôi cũng tìm đến làng mai này để mua mai. Tại ngã ba cuối con đường làng được bê tông hóa khang trang, nơi nối 3 cây cầu nhỏ, những xe tải cỡ lớn chờ “ăn hàng”. Xe ba gác máy dập dìu chở mai trong ruộng ra. Dưới dòng kênh, hàng chục vỏ lãi, xuồng máy đầy ắp mai nối đuôi nhau cập bờ để chuyển cây lên xe. Trong các ruộng mai, chủ ruộng và khách lom khom săm soi những gốc mai, ngã giá…
Ông Nguyễn Văn Hoàng, Trưởng Ban đại diện làng mai Tân Tây, cho biết, thời điểm này người mua mai không nhiều bằng tháng 3, 4 trong năm. Bởi khách hầu hết là các nhà vườn, chủ vựa hoa kiểng từ khắp các tỉnh thành trong cả nước đến mua sỉ đem về chỉnh trang chăm bón để cuối năm bán. “Mai này bán nguyên liếp chứ không bán lẻ, ví dụ khách xem xong có thể tham khảo chủ vườn về thời điểm mai ra hoa, độ tuổi, cách chăm sóc nếu cần…, rồi hẹn ngày bứng để gọi công, sau đó chỉ việc đếm cây tính tiền. Mai có tuổi từ 4 năm trở lên với giá sỉ từ 3-5 triệu đồng/cây; giá cao hơn nữa thì tùy độ tuổi cũng như dáng cây”, ông Nguyễn Văn Hoàng nói.
Thắc mắc vì sao chỉ còn vài tuần nữa là đến Tết Nguyên đán nhưng không vô chậu, tuốt lá chuẩn bị mang ra ngoài quốc lộ 62, cũng như chở đi các điểm hoa tết bày bán.
Ông Nguyễn Văn Hoàng giải thích, mai hiện đã có nụ, đến rằm tháng Chạp thì có thể tuốt lá, thời tiết thuận lợi thì tết nở đều đẹp. Tuy nhiên, bà con trong làng mai chỉ chọn ít cây dáng đẹp có giá từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng vô chậu bán tết cho người dân trong vùng, hoặc khách lẻ đi ngang làng mai, còn lại dưỡng cây qua tết bán sỉ cho thương lái. Loại hoa kiểng này để càng lâu giá càng cao. Năm nay nước lũ cao quá và rút chậm nên bà con trong làng chưa dám vô chậu, sợ hư cây, đợi vài hôm nắng ráo sẽ vô chậu. Còn mai cổ thụ thì khách mua quanh năm chứ không phải đợi tết.
Chuyện những gốc mai cổ thụ có giá hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng không lạ ở làng mai này, bởi cây mai trong làng nghề mang những nét riêng: dáng đẹp, gốc to, “da” vàng..., đặc biệt hơn các loại mai khác. Mai ở đây nguyên thủy, không cắt ghép, gốc nếu được uốn cong chạm đất sẽ lập tức xuất hiện rễ tại nơi đó, tạo nên bộ đế rễ đẹp lạ được giới sành chơi cây cảnh đánh giá cao. Cũng chính nhờ những gốc mai tiền tỷ này mà người trồng mai trong làng không những ấm no đủ đầy quanh năm mà còn xây những ngôi nhà hiện đại, sang trọng. Hiện những gốc mai tiền tỷ đang được trồng trong vườn của các hộ dân Phạm Văn Từ, Nguyễn Văn Kiệt, Trần Văn Vị…
Kết hợp làm du lịch
Nhờ kiên trì chịu khó học hỏi, bám đất bám làng mà giờ đây làng mai Tân Tây đã nức tiếng khắp cả nước. Người dân trong làng mạnh dạn đầu tư trồng mai để thay đổi cuộc sống. Ngân hàng chính sách của xã cũng dành nguồn vốn lớn để cho người dân chuyển đổi cây trồng sang trồng mai. Chi hội mai vàng xã cũng như nghệ nhân sẵn sàng hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm để nông dân trong làng trồng mai. Thời gian qua, huyện Thạnh Hóa cũng quan tâm đầu tư hạ tầng, đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề để nghề trồng mai vàng ở Tân Tây phát triển và đạt hiệu quả kinh tế cao.
Gia đình ông Trần Văn Ơi (ấp 3, xã Tân Tây) cũng đã cải tạo đất lúa, lên liếp trồng mai với diện tích hơn 10.000m2. Mai của ông Ơi được hơn 1 tuổi, với đà phát triển này, khoảng 2 năm sau sẽ có mai để bán. Không chỉ nâng cao đời sống kinh tế gia đình mà thông tin sẽ phát triển du lịch sinh thái gắn với làng mai khiến nhiều hộ cải tạo đất để chuyển sang trồng mai.
Hiện nay, ông Nguyễn Văn Hoàng, Huỳnh Văn Thủy và một số hộ ở đây đã thiết kế nhà gỗ, làm nền, đổ trụ dựng nhà làm điểm dừng chân đón khách tham quan.
Ông Huỳnh Văn Thủy cho hay: “Chúng tôi đã biết cách làm cho cây mai nở hoa quanh năm, vì vậy nếu làm du lịch sinh thái thì trong vườn mai sẽ rực vàng, cộng với sản vật sẵn có ở vùng Đồng Tháp Mười, tôi nghĩ làng mai sẽ là điểm đến hấp dẫn du khách. Tuy nhiên, để phát triển bền vững hơn, người dân làng mai mong muốn chính quyền địa phương hỗ trợ nguồn lực, thành lập một hợp tác xã mai để các thành viên hỗ trợ nhau về kỹ thuật và cùng hướng tới mục tiêu phát triển du lịch sinh thái gắn với mai”.
Theo ông Nguyễn Văn Chẳn, Chủ tịch UBND xã Tân Tây, hiện nay, tổng diện tích trồng mai của xã là gần 500ha với hơn 600 hộ (chiếm khoảng hơn 40% diện tích toàn xã), chủ yếu tập trung ven sông Vàm Cỏ Tây. UBND tỉnh vừa phê duyệt đề án phát triển làng nghề trồng mai xã Tân Tây gắn với phát triển du lịch tỉnh Long An đến năm 2030.
Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được cũng đã đặt hàng các chuyên gia, tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp dự án xây dựng sản phẩm du lịch hoàn chỉnh gắn với làng mai Tân Tây. “Tỉnh Long An sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch, đặc biệt ưu tiên phát triển du lịch sinh thái gắn với làng mai Tân Tây”, ông Nguyễn Văn Được khẳng định.
Từ thành công ở xã Tân Tây, nghề trồng mai vàng đã phát triển nhanh sang các xã Tân Đông, Thủy Đông, Thủy Tây (huyện Thạnh Hóa) và các xã Long Thạnh, Tân Thành (huyện Thủ Thừa) bên kia sông Vàm Cỏ Tây. Chúng tôi tin với đà này, nhất là trong điều kiện kinh tế nước nhà phát triển nhanh, đời sống người dân nơi đây cũng ngày càng được nâng cao. Làng mai Tân Tây tới đây sẽ sớm mở rộng ra cả vùng Đồng Tháp Mười, biến “cánh đồng hoang” ngày nào thành Khu du lịch sinh thái Tân Tây, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến thưởng lãm.
Theo NGỌC PHÚC (SGGPO)
https://www.sggp.org.vn/lang-mai-khoi-sac-giua-chon-bung-bien-post675028.html

Có thể bạn quan tâm