Giáo dục

Tin tức

Làng Mơ Nú hiếu học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không chỉ giàu truyền thống cách mạng, Mơ Nú còn được biết đến là ngôi làng hiếu học ở xã Ia Kênh, TP. Pleiku. Từ năm 2016 đến nay, làng có 20 người tốt nghiệp đại học, 16 người tốt nghiệp cao đẳng, 37 người tốt nghiệp THPT. Với bà con Jrai nơi đây, tri thức chính là chìa khóa vàng mở ra cánh cửa tương lai tươi sáng. 
Bước qua định kiến
Ông Rah Lan Luih sinh năm 1962 trong một gia đình Jrai nghèo. Khi ấy, việc đến trường chỉ dành cho con trai, còn con gái hầu như không được học chữ. Thế nên, dù gia đình còn khó khăn, ông Luih vẫn được mẹ cha lo cho ăn học tới hết lớp 9. Với học thức sẵn có, chỉ một thời gian ngắn tham gia hoạt động phong trào thanh niên ở xã Ia Pếch (huyện Chư Păh cũ, nay là huyện Ia Grai), ông được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đoàn xã. 
Không lâu sau đó, ông phải lòng cô gái xinh đẹp Puih Yốt cùng làng. 5 cô con gái kháu khỉnh lần lượt ra đời. Thấu hiểu sự thiệt thòi của vợ khi không biết chữ, ông Luih quyết tâm cho các con đến trường. Không những thế, trong vai trò là “thủ lĩnh” thanh niên ở địa phương, ông còn tích cực cùng các cấp, ngành của xã đến tuyên truyền, vận động người dân đưa con em đến trường học chữ.
“Chỉ đi học thì dân làng mới có cơ hội mở mang kiến thức, thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu. Phụ nữ cũng có quyền được học hành, làm những công việc ngoài xã hội chứ không chỉ riêng gì nam giới”-ông Luih quả quyết. 
1- Gia đình ông Rah Lan Luih nhiều năm liền được công nhận là “Gia đình hiếu học” của xã Ia Kênh. Ảnh: Mộc Trà.
Gia đình ông Rah Lan Luih nhiều năm liền được công nhận là “Gia đình hiếu học” của xã Ia Kênh. Ảnh: Mộc Trà
Với suy nghĩ tiến bộ ấy, ông Luih đã mạnh dạn bước qua định kiến bao đời của buôn làng. Phần lớn tiền thu được từ 5 sào lúa nước và hơn 1 ha cà phê, vợ chồng ông đều đầu tư vào sự nghiệp học hành của 5 cô con gái. Hai người con đầu đều tốt nghiệp THCS, trong đó có 1 người tiếp tục học nghề và hiện là chủ một tiệm may mặc uy tín tại làng. Con gái thứ 3 tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai và công tác tại UBND xã Ia Kênh được 4 năm; người con thứ 4 vừa tốt nghiệp Trường Trung cấp Y Đak Lak và cô con út đang là sinh viên năm cuối ngành Xã hội học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh). Với những thành quả đó, gia đình ông Rah Lan Luih được UBND xã Ia Kênh tuyên dương “Gia đình hiếu học” từ năm 2012 và duy trì sự công nhận này đến tận bây giờ.
“Chúng em rất tự hào và biết ơn ba mẹ vì đã dũng cảm vượt qua định kiến, thậm chí chịu cực khổ để 5 chị em được đến trường học chữ. Em hy vọng sau khi ra trường có thể quay về quê hương làm một công việc đúng với chuyên ngành Xã hội học của mình. Trước tiên là để trả ơn ba mẹ. Sau nữa, em muốn mang những tri thức mà bản thân tích lũy được góp phần giúp bà con địa phương dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống”-em Puih Ayíu (con gái út của ông Luih) bày tỏ.
Tương tự, hộ anh Rơ Mah Kin và chị Ksor H’Mun cũng là “Gia đình hiếu học” tiêu biểu của làng Mơ Nú. Là thế hệ sinh ra vào những năm đầu thập niên 80, vợ chồng anh Kin may mắn đều được đến trường. Tuy nhiên, so với nam giới, chuyện học hành của những cô gái Jrai lúc bấy giờ vẫn còn khá hạn chế. Nếu anh Kin được học hết lớp 9 và tiếp tục theo học nghề điện dân dụng, thì chị H’Mun chỉ được cha mẹ cho học tới lớp 5. Vì vậy, lúc nào chị H’Mun cũng nung nấu quyết tâm sẽ cho 2 con của mình ăn học đến nơi đến chốn. 
Anh Rơ Mah Kin tranh thủ hướng dẫn con gái một số bài học mới trong thời gian nghỉ hè. Ảnh: Mộc Trà
Anh Rơ Mah Kin tranh thủ hướng dẫn con gái một số bài học mới trong thời gian nghỉ hè. Ảnh: Mộc Trà
“Hiện con trai lớn của chúng tôi đang chuẩn bị bước vào năm cuối ngành Điện công nghiệp Trường Cao đẳng Gia Lai; con gái là học sinh lớp 7, Trường THCS Lý Thường Kiệt (phường Chi Lăng, TP. Pleiku). Cả 2 đứa đều chăm chỉ học hành. Tôi động viên con phải ráng học, sau này có công việc ổn định để bản thân không phải khổ như ba mẹ”-chị H’Mun chia sẻ.
Làng có nhiều “hiền tài”
Theo ông Siu Ye-Phó Trưởng thôn, kiêm Chi hội trưởng Chi hội Khuyến học làng Mơ Nú, làng Mơ Nú có 197 hộ với 889 khẩu, trong đó, dân tộc Jrai chiếm hơn 94%. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng chuyện học hành của con em luôn được bà con đặt lên hàng đầu. 
“Chi hội Khuyến học làng Mơ Nú được chọn làm điểm mô hình “Cộng đồng học tập” của xã giai đoạn 2016-2020. Chi hội đã tham mưu giúp Chi bộ đưa vào nghị quyết nội dung xây dựng cộng đồng học tập ở làng; đồng thời, tổ chức tuyên truyền cho hội viên đăng ký xây dựng gia đình học tập gắn với gia đình văn hóa. Kết quả, hàng năm, làng có hơn 70% hộ được công nhận gia đình học tập trên tổng số hộ đăng ký; 100% con em trong độ tuổi đi học đều được đến trường. Tính từ năm 2016 đến nay, làng có 20 người tốt nghiệp đại học, 16 người tốt nghiệp cao đẳng, 37 người tốt nghiệp THPT”-ông Ye phấn khởi cho biết.
3- Để khuyến khích dân làng Mơ Nú trong học tập, Hội Khuyến học xã Ia Kênh thường xuyên phối hợp với các đoàn thể của xã và trên địa bàn TP. Pleiku trao quà hỗ trợ cho học sinh nghèo. Ảnh: đơn vị cung cấp.
Để khuyến khích dân làng Mơ Nú trong học tập, Hội Khuyến học xã Ia Kênh thường xuyên phối hợp với các đơn vị, địa phương trao quà hỗ trợ cho học sinh nghèo (ảnh chụp tháng 1-2021). Ảnh: Đơn vị cung cấp
Đáng chú ý, Mơ Nú được xem là ngôi làng có nhiều “hiền tài” nhất xã Ia Kênh khi phần lớn cán bộ, công chức cấp xã đều được sinh ra từ nơi này như: Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch UBND, Bí thư Đoàn Thanh niên, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã, nguyên Trưởng Công an xã... Ngoài ra, làng còn có 4 người đang công tác tại Công an TP. Pleiku và Công an tỉnh; 2 người công tác tại Ban Chỉ huy Quân sự thành phố; 1 bác sĩ làm việc tại Trung tâm Y tế TP. Pleiku; 3 giáo viên giảng dạy tại các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn xã và 1 nhân viên y tế trường học.
Trao đổi với P.V, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Ia Kênh Rơ Mah Veng dành những lời có cánh khi nhận xét về làng Mơ Nú: Nhân dân làng Mơ Nú còn đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế và xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, duy trì và phát huy truyền thống hiếu học. Nhiều người đỗ đạt cao và làm việc tại các cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Những năm qua, làng Mơ Nú cũng là một trong những “Cộng đồng học tập” tiêu biểu của xã. Thời gian tới, để làng phát huy hơn nữa kết quả đạt được, Hội Khuyến học xã sẽ tiếp tục hỗ trợ về thủ tục, chính sách vay vốn cho học sinh-sinh viên; kêu gọi, vận động Mạnh Thường Quân tặng sách, vở, đồ dùng học tập, xe đạp... cho học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn của làng để các em vươn lên trong học tập.
MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm