(GLO)- Nhiều năm qua, người dân làng Mor (xã Đak Tơ Ve, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) ra sức gìn giữ và bảo vệ hàng ngàn cây gỗ trắc quý hiếm.
Sum suê rừng trắc làng Mor
Trên chặng đường từ rẫy về, ông Blế dừng chân nơi rừng trắc ở lưng chừng đồi. Tháng 3, cây trắc đang mùa thay lá nhuốm vàng cả một vạt rừng. Lấy vạt áo lau những giọt mồ hôi lấm tấm, người đàn ông tuổi lục tuần miên man nhớ về tuổi thơ dưới những tán trắc cổ thụ. Trong ký ức của ông, làng Mor có những cây trắc hàng trăm tuổi, 3-4 người ôm, tỏa bóng quanh làng.
Sau này, trắc bị khai thác kiệt quệ vì giá trị kinh tế cao. Nhiều người Jrai ở làng Mor sẵn sàng đốn cây để đổi gạo, đổi xe. “Chỉ cần cây trắc có lõi là bán được, có cây đổi được mấy tạ lúa nên mọi người chặt ồ ạt. Con cháu đời sau không được nhìn thấy cây trắc nào to lớn cả mà chỉ còn cây con vừa mọc lên từ hạt. Những ngôi nhà sàn bằng gỗ trắc sau này cũng bị bán hết, bây giờ hiếm có nhà nào còn giữ được cái cột trắc vì người ta gạ mua từng ký”-ông Blế buồn bã.
Với niềm trăn trở ấy, ông Blế và dân làng bắt đầu lên kế hoạch bảo tồn loài cây gỗ quý này. Dường như được thiên nhiên ưu ái ban tặng, cây trắc mọc rất nhiều trên đất làng Mor. Không phát dọn, chặt hạ như các loài cây khác trong quá trình làm nương rẫy, dân làng bảo nhau giữ lại cây trắc, chăm sóc trong khuôn viên đất sản xuất của mình. Riêng khu vực rẫy của ông Blế có hàng trăm cây trắc lớn nhỏ xen với bời lời. Nhiều cây có đường kính 20-30 cm, cao 5-6 m, tán sum suê xanh mát.
Những tán trắc xum xuê trên các mảnh đồi ở làng Mor. Ảnh: Văn Ngọc |
Ông Blế chia sẻ: “Mùa này về làng nóng lắm vì không nhiều tán cây râm mát nên mình thích ở lại rẫy dưới tán trắc mát rượi. Có cây trắc thì mình trồng được ít bời lời hơn, cây bời lời cũng chậm lớn hơn ở nơi khác nhưng mình vẫn cố gắng giữ cho con cháu sau này. Tiền tiêu bao nhiêu cũng hết, nhưng cây trắc chặt rồi không biết bao giờ mới lên lại được như vậy. Trông nhỏ nhỏ vậy thôi chứ cây nào cũng hơn 10 năm tuổi, có cây 20 năm rồi đấy. Đời mình chưa chắc sẽ thấy trắc to như xưa nữa nhưng con cháu chắc rồi sẽ thấy”.
Nỗ lực hồi sinh rừng gỗ quý
Theo ông Tem-Trưởng thôn, hàng chục hộ dân ở làng Mor có vườn trắc. Mỗi gia đình sở hữu hàng chục, hàng trăm cây trắc quanh nhà và ở nương rẫy. Người làng Mor đi đâu cũng tự hào vì giữ được rừng trắc lớn. Dẫu vậy, câu chuyện bảo tồn rừng trắc ở đây cũng lắm gian truân. Nhiều gia đình vẫn phải “rút ruột” vườn trắc đem bán để chăm lo cuộc sống. Không chỉ mua cây trắc để lấy gỗ, nhiều thương lái đã đến gạ gẫm dân làng để mua cây trắc di thực. Một số hộ dân trong quá trình chuyển đổi sang trồng cao su cũng chặt bỏ cây trắc.
Ông Tem cho hay: “Hiện tại, cây trắc được gìn giữ hầu hết là của những gia đình kinh tế tương đối ổn định, có nương rẫy để trồng thêm mì, bời lời. Các đối tượng bên ngoài lén lút thăm dò xem cây trắc có lõi chưa để chặt hạ lúc đêm tối ở những nơi xa khu dân cư. Do đó, dân làng vẫn phải luân phiên kiểm tra vào ban đêm để kịp thời phát hiện, ngăn chặn kẻ xấu”.
Ông Tem-Trưởng thôn Mor (xã Đak Tơ Ve, huyện Chư Păh) bên cây trắc có đường kính khoảng 20 cm. Ảnh: Văn Ngọc |
Trao đổi với P.V, ông Cao Phi Văn-Chủ tịch UBND xã Đak Tơ Ve-cho hay: Làng Mor có số lượng cây trắc quý lớn nhất trên địa bàn xã. Đa phần người dân mong muốn gìn giữ loài cây quý này nhưng họ cũng đứng trước nhiều khó khăn về kinh tế. Trong các cuộc họp làng, UBND xã thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân nỗ lực bảo tồn loài cây quý, giá trị kinh tế cao cho con cháu mai sau.
“Xã đang phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT thử nghiệm mô hình trồng sâm đương quy dưới tán cây trên 4 sào đất. Nếu thành công, đây sẽ là hướng đi mang lại lợi ích kép bền vững cho người dân khi vừa có thu nhập trước mắt, vừa giữ được rừng cây quý cần đến hàng chục, hàng trăm năm như vậy. Xã cũng mong cấp trên nghiên cứu triển khai các dự án lâu dài hỗ trợ kinh phí khuyến khích người dân quản lý, bảo vệ rừng trắc”-ông Văn cho biết thêm.
LÊ VĂN NGỌC