Xây dựng một nguồn nhân lực mới kế cận, trẻ trung và giỏi về các công nghệ thông minh trong thời đại mới chính là giải pháp cho tương lai sau này
Xây dựng TP HCM thành đô thị thông minh (ĐTTM), đáng sống là việc rất cấp thiết nhưng TP vẫn còn nhiều vấn đề, đặc biệt là áp lực về hạ tầng, môi trường và số lượng dân cư trong TP. Vì vậy, việc kiến tạo ĐTTM đã khó, để TP HCM trở nên đáng sống lại càng khó hơn.
Để cư dân tiếp cận công nghệ thông minh
Trước tiên, không thể phó mặc cho tâm lý người dân. Các nhà hoạch định quảng cáo rầm rộ nhưng khâu tuyên truyền để thay đổi ý thức người dân tự nâng cao bản thân cho phù hợp với sự phát triển của ĐTTM thì chúng ta làm còn chậm. Tất nhiên, khó khăn khách quan như đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển cộng đồng dân cư sống trong ĐTTM nhưng sự phát triển của ĐTTM vẫn phải tiếp diễn.
Muốn vậy, việc xác định và thu hút cộng đồng dân cư sống tốt là vô cùng cần thiết. Thu hút cũng cần có chiến lược, hướng tới tầm nhìn lâu dài. Một đô thị chỉ có thể nói là thông minh nếu cộng đồng cư dân thực sự muốn sống ở đó chứ không có tư tưởng "nhảy chỗ". Tức phải đa dạng hơn các hoạt động kinh tế - xã hội cho người dân để phát triển cộng đồng của ĐTTM. Theo suy nghĩ đơn giản, giá đất tăng sẽ thu hút nhiều cư dân nhưng điều đó chưa hẳn chính xác. Việc ở và đầu tư là khác nhau. Để phát triển các ĐTTM ở TP HCM, cần có một cộng đồng lâu dài.
Xây dựng TP HCM thành đô thị thông minh, đáng sống là việc rất cấp thiết - Ảnh: HOÀNG TRIỀU |
Cần phát triển hệ sinh thái mang đậm bản sắc văn hóa mới và những người có ý định định cư lâu dài sẵn sàng tiếp nhận công nghệ mới. Về kinh tế, việc áp dụng những tiện ích dành cho cuộc sống ứng dụng công nghệ thông minh không những chi phí bỏ ra ít hơn mà còn có ích lợi về sau. Vấn đề ở đây là sự thay đổi trong các hoạt động thường ngày, sự giao tiếp với các dịch vụ xã hội. Song song với việc áp dụng các biện pháp hành chính, cần tăng cường vận động để người dân bình thường nhất cũng có thể tiếp cận các tiện ích mới.
Hướng đến cuộc sống chất lượng cao
Cần thuyết phục người dân rằng cuộc sống thay đổi không có nghĩa họ sẽ gặp nhiều phiền toái hơn. Đây là sự đánh đổi đáng giá với tiện ích thật sự đem lại. Nếu không có sự đồng lòng chung tay của người dân, không có ai sử dụng những mô hình đề ra thì chỉ tốn công hoạch định và triển khai.
Chất lượng phục vụ của chính quyền là một khía cạnh liên kết chặt chẽ nhất với nhu cầu người dân. Trong xây dựng TP HCM trở thành ĐTTM, cần lấy người dân là trung tâm. Điều đó ai cũng biết nhưng làm thế nào để hiệu quả? Điều tiên quyết là phải dựa trên nhu cầu thực tế để mỗi người dân đều được hưởng thành quả. Lấy ví dụ đơn giản nhất là mạng internet. Việc an toàn thông tin trên "ma trận" mạng xã hội và ứng dụng di động chính là thứ cần quan tâm giải quyết hiện nay.
Như vậy, việc cần thiết phải làm là tăng cường bảo đảm sự an toàn của người dân trong cuộc sống và ngay cả trên không gian mạng, dùng chính không gian mạng để xây dựng bản sắc văn hóa ĐTTM. Tăng cường khả năng ứng cứu và xử lý sự cố. Phải thay đổi tâm lý người dân mới có thể xây dựng nền tảng lâu dài, từ từ tạo ra suy nghĩ coi trọng việc sống trong ĐTTM. Nếu người dân cảm thấy được an toàn trong công nghệ hiện đại, thông tin riêng tư được bảo vệ thì đó chính là xây dựng hạ tầng thông tin ưu việt của ĐTTM.
Tập trung xây dựng con người đô thị thông minh
Xây dựng mạng lưới cơ sở hạ tầng vững chắc, loại bỏ các vấn đề tồn tại, dù là nhỏ nhất có liên hệ thiết yếu đến cuộc sống hằng ngày của người dân như điện, nước, thông tin, giáo dục, y tế… Có vẻ đây là việc làm hiển nhiên nếu muốn xây dựng ĐTTM nhưng lại là vấn đề dễ bị "sơ hở" nhất. Nên thu hút các doanh nghiệp chuyên sâu về công nghệ thông tin vào phát triển mạnh ứng dụng ĐTTM. Cùng với đó, đẩy mạnh hơn nữa việc bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ tiên tiến, phù hợp với sự phát triển của ĐTTM là việc làm hết sức cấp bách. Người dân nhìn vào trình độ cán bộ chính quyền, họ cũng yên tâm hơn khi tham gia mạnh mẽ vào sự phát triển các tiện ích của ĐTTM. Xây dựng một nguồn nhân lực mới kế cận, trẻ trung và giỏi về các công nghệ thông minh trong thời đại mới chính là giải pháp cho tương lai sau này.
Việc tăng cường kiểm tra triển khai cũng cực kỳ quan trọng trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế do tác động của dịch bệnh. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu vẫn là việc phải làm trước mắt và lâu dài. Với việc hơn 60% dân cư sẽ sống ở thành thị trong tương lai theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, một TP lớn như TP HCM càng cần tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực trên nền tảng công nghệ cao, ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, qua đó đưa TP HCM trở thành ĐTTM, đáng sống cho tất cả mọi người.
Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 2 Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 2 bắt đầu từ ngày 4-6-2020 đến hết ngày 31-5-2021, tập trung vào 3 chủ đề chính: Đô thị thông minh, Khởi nghiệp - Thương hiệu của TP HCM và Bản sắc văn hóa đô thị TP HCM. Tác phẩm dự thi gửi qua địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn (kèm thông tin liên lạc của tác giả: số điện thoại, địa chỉ nhà) hoặc gửi trực tiếp đến Báo Người Lao Động tại địa chỉ: 127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu (phường 6 cũ), quận 3, TP HCM. Giải thưởng cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 2 gồm: 1 giải nhất 50 triệu đồng, 1 giải nhì 30 triệu đồng, 1 giải ba 20 triệu đồng và 2 giải khuyến khích, mỗi giải 10 triệu đồng. |
Theo Đinh Thành Trung (NLĐO)