Thời sự - Bình luận

Lắng nghe và chia sẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Những câu chuyện đau lòng liên quan học sinh tự tử có cả phần trách nhiệm của xã hội, của cá nhân học sinh bên cạnh những điều cần lưu ý cho cha mẹ.
Với các học sinh đang ở lứa tuổi vị thành niên, các em mang tâm lý muốn được người khác chấp nhận và tán thưởng, nhưng lại thiếu hụt kỹ năng, nhất là kỹ năng đương đầu với áp lực và vượt qua thất bại để kiên định với mục tiêu cuộc sống của mình. Thêm vào đó, các em mới trải qua một giai đoạn đầy áp lực do dịch bệnh, lại đối diện với tương lai cũng đầy áp lực, kết hợp cùng với tính chất dễ bị tổn thương của lứa tuổi.
Thực tế, tỷ lệ tổn thương sức khỏe tâm thần của trẻ trong đại dịch là phổ biến, gây ra những hậu quả cụ thể về mặt cảm xúc. Học sinh có nguy cơ bị tổn thương sức khỏe tâm thần sau khi quay lại trường do phải đối diện quãng thời gian dài sợ hãi, cô lập, mắc kẹt trong không gian chật chội, tiếp xúc nhiều thông tin xấu độc trên mạng, bạo lực gia đình.
Việc đóng cửa trường học, giãn cách xã hội trong đại dịch cũng là nguyên nhân khiến giới trẻ hiện nay ngày càng dành nhiều thời gian cho điện thoại thông minh, mạng xã hội và game online khiến họ ít có thời gian dành cho bạn bè, người thân và các mối quan hệ có ý nghĩa. Các em ít có điều kiện để thực hành các kỹ năng xử lý tình huống, giải quyết vấn đề, kiểm soát cảm xúc trong đời sống thực. Do không có kỹ năng xã hội và không có bạn bè trong cuộc sống thực nên không thể huy động các nguồn trợ giúp khi bế tắc…
Trước khi những đứa trẻ tìm đến cái chết là những dấu hiệu trầm cảm, có dấu hiệu thầm lặng nhưng cũng có những dấu hiệu “cấp báo” như: nói đùa sẽ chết; viết truyện, làm thơ về cái chết; có những hành vi tự hủy hoại (như cắt tay, dùng tàn thuốc dí vào tay) hay hành vi liều lĩnh (đua xe, bỏ phanh); nói tạm biệt với gia đình; tìm kiếm những vũ khí hoặc phương tiện độc hại có thể sử dụng để tự tử.
Mặc dù nguyên nhân của tự tử rất đa dạng nhưng đa số có thể đề phòng được với các biện pháp theo dõi quan sát tế nhị và sát sao, xử lý thích đáng và kịp thời của người thân và các nhà chuyên môn. Cách tốt nhất để hoạt động phòng chống tự sát là dựa vào trường học với một đội công tác gồm các giáo viên, nhà tâm lý phối hợp chặt chẽ với các tổ chức cộng đồng.
Sự gia tăng tự tử ở lứa tuổi thanh thiếu niên thời gian gần đây một lần nữa cho thấy việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về các vấn đề tổn thương sức khỏe tâm thần thanh thiếu niên là một vấn đề quan trọng và cấp thiết. Bạn có thể giúp ai đó có thêm niềm hy vọng bằng cách thể hiện rằng bạn quan tâm.
Chúng ta có thể tiếp cận và hỏi thăm một người nào đó có thể đang gặp khó khăn để ý nghĩ và mưu toan tự tử có cơ hội được ngăn chặn. Đôi khi không cần phải cung cấp giải pháp, mà đơn giản chỉ cần dành thời gian để lắng nghe họ chia sẻ về trải nghiệm đau khổ hoặc suy nghĩ tự tử của họ. Được lắng nghe và trò chuyện giúp mọi người có cảm giác kết nối và hy vọng. Tất cả chúng ta đều có thể góp sức, dù nhỏ đến đâu..
Theo PGS-TS Trần Thành Nam-Trưởng khoa Các khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội (TNO)

Có thể bạn quan tâm