Kinh tế

Nông nghiệp

Làng nghề vào xuân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, những ngày qua các làng nghề trên khắp cả nước đang tăng tốc, đẩy mạnh sản xuất, kịp thời đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Theo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cả nước hiện có hơn 5.400 làng nghề, trong đó có khoảng 2.000 làng nghề truyền thống. Những ngày cận Tết, không khí sản xuất tại các làng nghề đang rất hối hả, khẩn trương.

 

Sản xuất bánh đa cung cấp thị trường Tết tại làng nghề Đô Lương (huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An). Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG
Sản xuất bánh đa cung cấp thị trường Tết tại làng nghề Đô Lương (huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An). Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG


“Chạy đua” với đơn hàng Tết

Năm nào cũng vậy, cứ đến cuối năm, dọc các thửa ruộng, triền đồi, nương cao, người dân ở xã Côn Minh, huyện Na Rì (Bắc Kạn) lại hối hả thu hoạch dong riềng. Tại các cơ sở sản xuất miến dong, từ tờ mờ sáng, khói từ các lò đã tỏa ra nghi ngút. Trong sân, ngoài ngõ, nóc nhà... chỗ nào cũng đầy những phên phơi bánh tráng miến.

Giám đốc HTX Miến dong Huấn Liên (xã Côn Minh), Trịnh Xuân Huấn cho biết, người dân làm miến quanh năm nhưng vụ Tết là nhộn nhịp nhất. Vụ miến Tết thường bắt đầu từ tháng 10 âm lịch. Ngày thường, HTX chỉ sử dụng vài tạ bột để sản xuất miến nhưng vào dịp Tết, mỗi ngày phải dùng đến hơn 1,5 tấn bột. Để có đủ hàng cho khách, từ 4 đến 5 giờ sáng chúng tôi đã phải thức dậy chuẩn bị các công đoạn sơ chế, khoảng 7 giờ bắt tay vào tráng bánh. Sau đó mang bánh đi phơi. Phơi đủ nắng chúng tôi thu bánh về, dùng máy cán bánh thành những sợi miến nhỏ. Dịp này, HTX cung ứng ra thị trường khoảng 30 tấn miến. Sát Tết, mặc dù cả người và máy móc lúc nào cũng làm việc hết công suất nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa có đủ sản phẩm trả đơn cho khách hàng. Năm nay, giá miến tương đối ổn định, ngày thường miến được bán giao cho thương lái với mức giá 50.000 đồng/kg, vào dịp Tết giá tăng lên 52.000 đồng/kg.

Cùng với sản phẩm miến, bánh đa nem cũng là mặt hàng được tiêu thụ nhiều vào mỗi dịp Tết. Tại làng nghề sản xuất bánh đa nem thôn Cầu Gạo, xã Yên Phụ, huyện Yên Phong (Bắc Ninh), không khí sản xuất đang hết sức nhộn nhịp, khẩn trương. Để có đủ sản phẩm cung ứng ra thị trường, mỗi ngày, người dân ở thôn Cầu Gạo cho ra lò hàng vạn mẻ bánh. Trước đây, các hộ chủ yếu tráng bánh bằng phương pháp thủ công, mỗi ngày một hộ chỉ tráng được hơn 10 kg bột. Hiện nay, nhiều gia đình trong thôn đầu tư hệ thống máy móc hiện đại, một hộ làm bánh đa nem có thể tráng vài tạ bột một ngày. Bánh đa nem được người dân thôn Cầu Gạo sản xuất quanh năm nhưng vào dịp Tết nhu cầu của người dân tăng vọt cho nên dù có máy móc hỗ trợ nhưng người dân ở làng nghề vẫn phải làm việc liên tục từ 1-2 giờ sáng đến 12 giờ trưa. Thời gian nghỉ ngơi rất ít, ngoài lúc tráng bánh bà con phải tranh thủ thời tiết tạnh ráo để phơi bánh cho khô. Mặc dù mệt nhưng bà con ai cũng phấn khởi vì sản phẩm dịp này được giá và bán rất “chạy”. Thôn Cầu Gạo hiện nay chỉ còn 11 hộ làm bánh đa nem. Số lượng các hộ làm nghề không nhiều nhưng đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động địa phương.

Phục hồi sản xuất, tạo sức bật cho các làng nghề

Không khí làm việc tất bật những ngày cuối năm đã mang lại sức sống cho nhiều làng nghề. Theo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, thời gian qua, do tác động của dịch Covid-19 các làng nghề gặp chồng chất khó khăn, nhất là các làng nghề truyền thống. Thị trường trong nước và xuất khẩu co hẹp, du lịch bị hạn chế khiến sức mua hàng thủ công giảm sút nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của người dân nhất là các hộ có quy mô nhỏ và vừa. Trong bối cảnh trên, rất nhiều làng nghề chỉ hoạt động cầm chừng hoặc phải tạm ngừng sản xuất.

Thời gian qua, khi tình hình sản xuất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và các doanh nghiệp ở những đô thị lớn gặp khó khăn nhiều lao động trở về quê, các làng nghề đã trở thành một trong những bến đỗ của họ. Trong tình hình hiện nay, làng nghề có tiềm năng lớn trong việc giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho người dân. Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho rằng, để làng nghề có thể phục hồi sau những ảnh hưởng của dịch Covid-19, trước mắt, cơ quan chức năng cần có cơ chế đặc thù hỗ trợ, ưu đãi về vốn vay, tìm thị trường tiêu thụ... giúp các làng nghề có điều kiện khôi phục sản xuất. Về lâu dài, để tạo sức bật cho các làng nghề cần quy hoạch ngành nghề theo nhu cầu của thị trường và phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương. Có chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp ở nông thôn, giúp đỡ các làng nghề ứng dụng công nghệ số, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, cũng như tiếp tục tạo thuận lợi về đất đai, các loại thuế, phí, nguồn vốn. Về phía các làng nghề, muốn đứng vững trong bối cảnh hiện nay từng làng nghề phải xác định sản phẩm chủ lực, thị trường trọng yếu của mình. Trong tình hình mới, phải có dự báo về nhu cầu các thị trường cũng như chính sách mà thị trường đang áp dụng. Trên cơ sở phân tích nhu cầu của người tiêu dùng, các làng nghề cần xem lại sản phẩm của mỗi hộ, tập trung vào những sản phẩm có thế mạnh, đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường. Sản phẩm làng nghề lâu nay vẫn bị coi là đơn điệu, nhàm chán, do vậy hoạt động thiết kế cần được đẩy mạnh, khắc phục nhược điểm về mẫu mã, kiểu dáng. Cùng với đó, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi.

Theo NDĐT

Có thể bạn quan tâm