(GLO)- Về làng Nhing (xã Tân Sơn, TP. Pleiku) hôm nay, mọi người sẽ ngạc nhiên trước không gian xanh của những vườn rau cải xanh mởn, những luống rau muống trải dài và những hàng ớt đỏ mọng chuẩn bị cho thu hoạch... Đây chính là kết quả tích cực từ lớp tập huấn “Trồng rau sạch cho người dân tộc thiểu số” do Hội Nông dân xã Tân Sơn phối hợp với Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai tổ chức.
Vườn ớt của gia đình bà Byui đang trong độ thu hoạch. Ảnh: Trần Dung |
Trước đây, người dân làng Nhing chỉ biết trồng rau theo kiểu “thích đâu thì trồng đấy”, lúc thì trồng vài cây ớt quanh nhà, khi thì gieo ít hạt rau muống ở bờ ruộng… Và tất nhiên họ cũng không nhân thức rõ được việc chăm bón, tưới tiêu. Vậy nên hầu hết các gia đình trong làng cũng phải ra chợ mua rau về ăn.
Nhận thấy cần phải cần phải thay đổi cách nghĩ, cách làm cho người dân tộc thiểu số về việc trồng và sử dụng rau sạch để vừa đảm bảo sức khỏe vừa phục vụ đủ cho bữa ăn của họ. Hội Nông dân xã Tân Sơn đã phối hợp cùng Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai tổ chức lớp tập huấn “Trồng rau sạch cho người dân tộc thiểu số” cho 249 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại 3 làng trong xã. Ông Nguyễn Đình Khánh-Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Sơn-cho biết: “Tham gia lớp tập huấn, các học viên là người dân tộc thiểu số đã được cung cấp những kiến thức về kỹ thuật trồng rau an toàn như: Hướng dẫn sản xuất rau an toàn; phân bón và cách sử dụng phân bón trong sản xuất rau an toàn; phương pháp sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc cỏ an toàn, cách phòng trừ sâu bệnh trên rau; thời gian thu hoạch rau ăn lá, rau ăn quả... Lớp tập huấn được tổ chức tại Nhà sinh hoạt cộng đồng của làng và chủ yếu học vào các buổi tối”.
Sau khi kết thúc lớp tập huấn, người dân rất có hứng thú với việc áp dụng những kiến thức đã học được để trồng rau tại vườn của mình. Họ nắm được khái quát quy trình trồng rau an toàn, không ảnh hưởng đến sức khỏe người sản xuất cũng như người tiêu dùng; tạo môi trường an toàn, cách ly mầm bệnh, cải tạo đất… Và quan trọng là họ đã xóa dần tập quán sản xuất truyền thống lạm dụng phân bón, thuốc sâu và không còn theo kiểu “thích đâu thì trồng đấy”. Mỗi nhà đã biết tận dụng những khoảnh đất trống trong vườn để trồng rau. “Đến nay, hầu như gia đình nào trong làng Nhing cũng sở hữu một vườn rau xanh mướt. Mọi người thi nhau trồng rau sạch để ăn. Cũng có nhiều gia đình làm được nhiều để đem ra chợ bán kiếm thêm thu nhập”-chị HNgui (Làng Nhing, Phụ trách lớp tập huấn) cho hay.
Đến thăm vườn ớt của gia đình bà Byui (60 tuổi-làng Nhing) đang trong độ thu hoạch. Những luống ớt sai trĩu quả, chín mọng…là thành quả mà bà Byui chăm chỉ vun xới, chăm sóc sau mỗi ngày trên rẫy về. Bà cười vui vẻ: “Trước đây nhà mình ít trồng rau lắm, mà có trồng thì cũng trồng chút ít xung quanh nhà thôi. Từ ngày đi học ở lớp trồng rau sạch, mình nhận thấy được việc trồng rau để phục vụ cho bữa ăn trog gia đình cũng rất quan trọng, không thể qua loa được đâu. Giờ thì trong mảnh đất nhỏ này mình trồng đủ loại rau để ăn”.
So với việc trồng rau truyền thống thì rau trồng an toàn sẽ sạch hơn, đẹp hơn. Ảnh: Trần Dung |
Vườn rau cải đang lúp xúp bung lá xanh của chị Ngiú luôn khiến mọi người trầm trồ. Theo chị Ngiú, sau khi được hướng dẫn kỹ thuật trồng rau sạch, chỉ cần chịu khó chăm sóc, dùng lượng phân thuốc đúng quy định là có thể hạn chế được sâu bệnh và đem lại năng suất cao. Chị Ngiú cho biết thêm: “So với việc trồng rau truyền thống thì rau trồng an toàn sẽ sạch hơn, đẹp hơn vì giảm được lượng phân thuốc trừ sâu, phân bón. Bên cạnh đó, trồng rau an toàn cho năng suất cao hơn so với việc chỉ sản xuất theo truyền thống, chăm bón theo kinh nghiệm”.
Lớp tập huấn “Trồng rau sạch cho người dân tộc thiểu số” không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế mà quan trọng hơn nó đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của người nông dân, giúp họ hiểu được tầm quan trọng của việc trồng và sử dụng rau an toàn. Trước thực trạng sử dụng phân thuốc bảo vệ thực vật không đúng liều lượng, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến người tiêu dùng thì trồng rau theo phương pháp an toàn là hướng đi cần thiết để thay đổi tập quán canh tác truyền thống của người dân tộc thiểu số.
Trần Dung