Điểm đến Gia Lai

Làng Pông ngày mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Làng Pông (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, Gia Lai) là đơn vị đầu tiên trên địa bàn tỉnh triển khai xây dựng làng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua hơn 1 năm thực hiện, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, diện mạo làng Pông đã có nhiều khởi sắc.
Thực hiện Đề án phát triển kinh tế-xã hội 4 làng đồng bào dân tộc thiểu số: Pông, Pênh, Trớ, Hek (xã Chư A Thai), trong năm 2017, huyện Phú Thiện đã chọn làng Pông để làm thí điểm. Đến nay, sau hơn 1 năm sắp xếp, bố trí lại nhà ở, vườn tược theo quy hoạch của huyện, cuộc sống của 76 hộ đồng bào dân tộc thiểu số làng Pông đã dần ổn định. Các khu dân cư sau quy hoạch đều gọn gàng, ngăn nắp. Nhiều hộ có vườn rau xanh phục vụ bữa ăn gia đình. Chuồng trại chăn nuôi heo, bò được làm kiên cố, bố trí xa khu nhà ở; cây xanh được trồng xung quanh khuôn viên nhà rông và khu sinh hoạt chung của làng; những “hàng rào xanh”, “con đường hoa”, cây ăn quả... dần hình thành, đem lại diện mạo tươi mới cho làng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số này.
Diện mạo làng Pông đang ngày càng khởi sắc. Ảnh: D.P
Ông Đỗ Ngọc Thành-Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Phú Thiện-cho hay: “Điểm mấu chốt của đề án là làm thay đổi tập quán sản xuất, quy hoạch lại làng, sắp xếp dân cư nhưng phải giữ được ổn định trong dân, giữ được bản sắc văn hóa của bà con. Mục tiêu trước mắt của huyện là xây dựng làng Pông trở thành làng nông thôn mới kiểu mẫu”. Để làm được điều đó, huyện Phú Thiện đã huy động nguồn lực đầu tư các hạng mục như: nước sinh hoạt, điện, đường nội thôn phục vụ đời sống của người dân. Nhờ đó đến nay, làng Pông đã có hệ thống điện 3 pha cùng với công trình điện đường chiếu sáng từ chương trình “Thắp sáng đường quê” do Công ty Điện lực Gia Lai thực hiện với tổng kinh phí hơn 800 triệu đồng. Các trục đường nội thôn đã được bê tông hóa tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi. Vườn tược của các hộ dân được phân định rõ ràng, rào bằng lưới B40 do chính quyền hỗ trợ.
Vui mừng trước những đổi thay sau hơn 1 năm xây dựng làng nông thôn mới, ông Đinh Nghênh (một người dân làng Pông) bày tỏ: “Từ lúc chính quyền tuyên truyền, vận động làm tới giờ, tôi chưa hình dung làng mình lại có được con đường sạch đẹp, điện sáng, nhà cửa ngăn nắp, khang trang thế này. Tôi rất vui. Cảm ơn Đảng, Nhà nước quan tâm đến người dân chúng tôi”.
Cùng với việc sắp xếp lại nhà cửa, bố trí lại dân cư, huyện Phú Thiện còn chú trọng thay đổi tập quán sản xuất, hướng tới tăng thu nhập cho người dân làng Pông. Qua hơn 1 năm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, bà con trong làng đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa những giống cây trồng, vật nuôi có giá trị vào sản xuất, chăn nuôi để nâng cao hiệu quả kinh tế. Điển hình là người dân đã chuyển đổi 80 ha đất lúa 1 vụ sang xây dựng cánh đồng mía lớn để mang lại thu nhập cao, từng bước cải thiện cuộc sống. “Cán bộ kỹ thuật của Nhà máy Đường Ayun Pa phối hợp với cán bộ huyện, xã vận động nên gia đình mạnh dạn tham gia 1 ha. Làm cánh đồng mía lớn, tôi được giúp nhiều thứ như: giống, vốn, kỹ thuật, thu hoạch bằng máy nên rất thuận lợi”-anh Siu Bruynh (làng Pông) phấn khởi cho hay. Theo đánh giá của ông Mai Ngọc Quý-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện: “Qua thu hoạch vụ mía đầu tiên, năng suất đạt bình quân 65 tấn/ha; bà con làng Pông có thu nhập từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng/ha, cao hơn 3 lần so với trồng mì, lúa rẫy”.
Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, đoàn thể và sự đồng lòng của người dân, đề án quy hoạch, sắp xếp, bố trí dân cư làng Pông đã thu được thành công bước đầu. Đây là một trong 2 mô hình điểm làng nông thôn mới được UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí thực hiện để tổng kết rút kinh nghiệm và nhân rộng trên phạm vi toàn tỉnh theo tinh thần Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Kết quả đạt được là động lực lớn để huyện Phú Thiện tiếp tục thực hiện đề án tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn trong thời gian tới.
Dũng Phương

Có thể bạn quan tâm