Thời gian gần đây, một loại bọ lạ xuất hiện trên địa bàn một số xã của huyện Văn Quan, Lạng Sơn.
Loại bọ này to bằng hạt nhãn, cánh cứng màu vàng đen, râu dài từ 2-3cm, có tốc độ sinh trưởng và phát tán rất nhanh, khiến tổng diện tích cây hồi nhiễm bọ trên 200ha. Cây hồi là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao của tỉnh Lạng Sơn.
Từ khoảng tháng Ba, bọ hại cây hồi bắt đầu xuất hiện và gây hại trên 24ha ở thôn Khau Moòng, xã Khánh Khê, huyện Văn Quan. Đến nay, bọ đã lan sang các xã lân cận như Tân Đoàn, Tràng Các, Tràng Sơn.
Đến thời điểm này, mật độ bọ phổ biến 30-80 con/cây, nhưng cá biệt 800-1000 con/cây.
Trước tình trạng này, nhiều hộ nông dân đã chủ động phun thuốc hóa học nhưng hiệu quả đạt thấp vì phun không đồng bộ, dứt điểm.
Ông Sầm Ngọc Thanh, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lạng Sơn cho biết, chi cục đã cử cán bộ xuống các xã xuất hiện loại bọ này để kiểm tra thực tế. Đây là loại bọ hại cây hồi đã từng xuất hiện một hai năm trước nhưng ở thời điểm đó, loại bọ này mới chỉ xuất hiện rất ít, không đáng kể.
Tuy nhiên, hiện tại, loại bọ này đã làm hại một diện tích khá lớn cây hồi của người dân.
Hiện vẫn chưa có tài liệu nào nghiên cứu về loài bọ này nên tất cả các biện pháp sử dụng trong phòng trừ chỉ mang tính chất thử nghiệm.
Trước tình hình đó, tỉnh Lạng sơn rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc nghiên cứu, theo dõi, tổ chức khống chế dập dịch.
Trước mắt, để giảm thiểu thiệt hại và từng bước diệt trừ loài bọ có hại này, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đề nghị các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương hỗ trợ kinh phí để nông dân mua thuốc sinh học phun diệt trừ bọ.
Chi cục cũng khuyến cáo người dân nên phun thuốc ở thời kỳ sâu non để đạt hiệu quả cao nhất; đồng thời có những phương án cụ thể để khoanh vùng tiêu diệt loại bọ này.
Theo TTXVN