Sức khỏe

Lặng thầm nghề điều dưỡng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nói đến chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh, bệnh nhân thường nghĩ đến bác sĩ. Nhưng ít ai biết, 1 bệnh nhân được khỏe mạnh có công chăm sóc của những điều dưỡng. Để ghi nhận và tôn vinh những đóng góp thầm lặng ấy, ngày 12-5 hàng năm được chọn là Ngày Quốc tế Ðiều dưỡng.

Tận tụy với người bệnh

Khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai) là khoa thu dung, điều trị các bệnh nhân nặng, nhiều người nằm liệt một chỗ, hôn mê nên đòi hỏi các điều dưỡng phải túc trực 24/24 giờ chăm sóc toàn phần. Bệnh nhân đông, số lượng điều dưỡng lại thiếu nên công việc của các điều dưỡng càng thêm vất vả, áp lực. Dẫu vậy, với tấm lòng cảm thông, chia sẻ với người bệnh, mỗi điều dưỡng ở đây đều lặng thầm chăm sóc người bệnh tận tình.

Điều dưỡng sẽ đảm nhiệm chăm sóc trực tiếp cho bệnh nhân, thực hiện y lệnh của bác sĩ góp phần tăng hiệu quả điều trị. Ảnh: Như Nguyện

Điều dưỡng sẽ đảm nhiệm chăm sóc trực tiếp cho bệnh nhân, thực hiện y lệnh của bác sĩ góp phần tăng hiệu quả điều trị. Ảnh: Như Nguyện

Điều dưỡng Lê Thị Dung-Khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) trải lòng: Khi xác định chọn nghề điều dưỡng thì đã lường trước những khó khăn, vất vả mà mình phải trải qua khi đối mặt với công việc. Người điều dưỡng không chỉ có nhiệt huyết, tấm lòng yêu thương người bệnh, mà cần phải có sức khỏe bền bỉ mới chăm sóc người bệnh một cách tốt nhất. Điều dưỡng luôn túc trực theo dõi bệnh nhân, kịp thời có mặt chăm sóc không kể ngày đêm để giúp bệnh nhân khỏe mạnh về với gia đình và xem đó là hạnh phúc, là động lực giúp điều dưỡng hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Theo điều dưỡng Dung, trăn trở hiện nay của hầu hết điều dưỡng không phải áp lực công việc mà là thu nhập. Các điều dưỡng đã được biên chế thì mức lương đảm bảo. Còn điều dưỡng hợp đồng thì lương rất thấp, mỗi tháng tầm 3 đến 4 triệu đồng không đủ trang trải cuộc sống, nhiều người phải làm thêm bên ngoài để có thu nhập. Tôi mong muốn có chế độ đãi ngộ tốt hơn để điều dưỡng, nhân viên y tế các bệnh viện công gắn bó với đơn vị. Đồng thời mong muốn người nhà bệnh nhân và bệnh nhân cùng hợp tác, chia sẻ để giúp bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế hoàn thành nhiệm vụ, chăm sóc bệnh nhân ngày càng tốt hơn.

Điều dưỡng Lê Thị Dung- Khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) chăm sóc bệnh nhân. Ảnh: Như Nguyện

Điều dưỡng Lê Thị Dung- Khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) chăm sóc bệnh nhân. Ảnh: Như Nguyện

Chị Tăng Thị Phúc-Điều dưỡng Trưởng khoa Sơ sinh (Bệnh viện Nhi Gia Lai) bộc bạch: Ở Khoa Sơ sinh thường xuyên tiếp nhận các bé sơ sinh, nhiều bé sinh non nhẹ cân, có bé sơ sinh chỉ nặng khoảng 500 gram. Vì vậy đòi hỏi những điều dưỡng phải hết sức cẩn thận, chu đáo, tỉ mỉ, yêu nghề, yêu trẻ mới chăm sóc trẻ một cách tốt nhất. Một khi đã chọn nghề điều dưỡng thì phải xác định toàn tâm toàn ý với công việc thì mới cống hiến được lâu dài.

Xứng đáng được tôn vinh

Điều dưỡng viên là một nghề rất vất vả, làm việc không kể ngày đêm. Tại các bệnh viện, điều dưỡng là một bộ phận rất quan trọng, chiếm 2/3 số lượng nhân lực trong hệ thống y tế. Nếu như bác sĩ là người chẩn đoán, điều trị, ra các y lệnh thì điều dưỡng là người phụ trách công tác kiểm tra, theo dõi tình trạng người bệnh hàng ngày, thực hiện y lệnh và theo dõi việc dùng thuốc cho người bệnh và các công việc liên quan khác để giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục.

Bác sĩ Đặng Thuận-Khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) chia sẻ: Thường khi vào viện, người bệnh chỉ nghĩ tới bác sĩ, ít ai nghĩ đến điều dưỡng. Vì là bác sĩ nên chúng tôi hiểu rõ vai trò quan trọng của người điều dưỡng, vì họ là người làm nhiều việc hơn cả bác sĩ. Họ không phải là cánh tay phải, cánh tay trái mà chính là người đồng hành với bác sĩ.

“Bác sĩ không thể làm được tất cả các công việc, không thể chăm sóc bệnh nhân tốt nhất. Do đó, những người điều dưỡng sẽ đảm nhiệm chăm sóc trực tiếp cho bệnh nhân. Đặc biệt, với Khoa toàn là bệnh nặng và rất nặng, đặc thù là không có người nhà chăm sóc hàng ngày thì những điều dưỡng ở đây phải chăm sóc bệnh nhân 24/24 giờ, rất vất vả và áp lực”-bác sĩ Thuận chia sẻ.

Điều dưỡng Khoa Sơ sinh (Bệnh viện Nhi Gia Lai) chăm sóc cho trẻ sơ sinh. Ảnh: Như Nguyện

Điều dưỡng Khoa Sơ sinh (Bệnh viện Nhi Gia Lai) chăm sóc cho trẻ sơ sinh. Ảnh: Như Nguyện

Đánh giá những cống hiến của các điều dưỡng, bác sĩ CK1 Nguyễn Thụy Điển-Phó Trưởng khoa Sơ sinh (Bệnh viện Nhi Gia Lai) nhấn mạnh: Trong chăm sóc, điều trị bệnh nhân nói chung và chăm sóc bệnh nhi sơ sinh nói riêng, để điều trị thành công một ca bệnh, nuôi sống 1 em bé sinh non thì người điều dưỡng có vai trò hết sức quan trọng. Bác sĩ là người ra y lệnh về chuyên môn thì điều dưỡng là người chăm sóc gần như toàn diện đối với bệnh nhân và hỗ trợ tích cực cho bác sĩ trong vấn đề thực hiện đúng và đủ các y lệnh. Nhờ việc thực hiện đúng và đủ y lệnh của bác sĩ, chăm sóc ân cần, chu đáo của điều dưỡng sẽ làm tăng hiệu quả điều trị, giúp người bệnh sớm khỏe mạnh. Vì vậy người điều dưỡng xứng đáng được tôn vinh.

Có thể bạn quan tâm