Nếu như trước đây máy móc và robot được sử dụng trong sản xuất để thực hiện các nhiệm vụ lặp đi lặp lại nhằm nâng cao năng suất, thì giờ đây trí tuệ nhân tạo (AI) xuất hiện để tự động hóa các tác vụ dịch vụ nhằm giảm sai sót trong sản xuất, tăng khả năng thành công khi đưa ra quyết định hoặc tối ưu hóa trải nghiệm dành cho khách hàng thông qua việc thu thập và phân tích dữ liệu.
Khi thế hệ trước phải làm quen với kỹ thuật điều khiển máy thì bây giờ đến lượt thế hệ Millenium, gen Z, gen Alpha phải làm chủ kỹ năng làm việc với các công cụ AI.
Là một chàng trai trẻ vừa chuyển đến sinh sống tại TP. Pleiku bằng công việc tài xế xe công nghệ, anh Lê Văn Vũ Kiệt (phường Tây Sơn) bày tỏ quan điểm về việc lao động phổ thông trẻ cần trang bị kỹ năng sử dụng AI:
Đồng tình với ý kiến của anh Kiệt, ông Phạm Đức Dung-Bảo vệ tại khu vực Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) còn đưa ra dẫn chứng rằng: “Ngày xưa, ông bà sinh ra thời ai ai cũng không biết chữ, ai muốn thay đổi cuộc đời phải học chữ. Thời nay cũng vậy, ai ai cũng cầm điện thoại thông minh trên tay, phải có những kỹ năng để phát triển vì công nghệ thay đổi từng giờ”.
Sự thay đổi về công việc và yêu cầu kỹ năng sử dụng công cụ AI cho nhiều ngành nghề là không thể tránh khỏi. Để sẵn sàng thích ứng với một thị trường lao động kiểu mới, các bạn trẻ cần phải trang bị kiến thức và bắt đầu thực hành các kỹ năng mới.
Theo ông Hồ Phạm Minh Nhật-Giáo sư bậc 1 của Đại học Texas-Austin, Mỹ (chuyên gia nghiên cứu và giảng dạy về khoa học dữ liệu, học máy, thống kê và trí tuệ nhân tạo) chia sẻ: “Với những người trẻ là lao động phổ thông, làm công việc tay chân, việc trang bị kỹ năng AI cũng cần thiết vì giúp nâng cao hiệu quả công việc, cải thiện an toàn công việc, mở rộng nhiều cơ hội nghề nghiệp.
Đơn cử như trong ngành xây dựng, người lao động trẻ có thể sử dụng drone (máy bay không người lái-PV) có tích hợp AI để giám sát tiến độ và kiểm tra tính an toàn của công trình thông qua hình ảnh được ghi lại.
Hay trong lĩnh vực sản xuất xe hơi, người trẻ có thể làm quen với cách sử dụng, bảo trì robot, các hệ thống tích hợp AI để giảm thiểu lỗi trong quá trình sản xuất. Trong nông nghiệp, các nông dân trẻ có thể học cách sử dụng các thiết bị có tích hợp AI để giám sát chất lượng nước, đất đai, hiệu quả của cây trồng.”
Trên thực tế, tại Việt Nam cũng đã có những robot, hệ thống điều khiển từ xa, máy bay nông nghiệp, trạm giám sát... ứng dụng trí tuệ nhân tạo để thu thập dữ liệu về sức khỏe cây trồng, mật độ và chiều cao cây trồng, diện tích đất trồng… thông qua các cảm biến như máy ảnh, máy quét laser, máy quét siêu âm. Từ đó giúp nông dân đưa ra quyết định nên tưới bao nhiêu nước, bón phân loại nào hay phát hiện dịch bệnh.
Thông qua dữ liệu được thu thập, AI tổng hợp, phân tích và đưa ra những quyết định giúp người lao động. Ảnh H.H |
Tuy nhiên, hiện nay chưa có cơ sở hay trung tâm nào đào tạo kỹ năng sử dụng công cụ AI cho người lao động phổ thông. Song, chủ yếu đều xuất phát từ cá nhân hoặc đơn vị sản xuất nhỏ lẻ muốn thay đổi, sáng tạo, chủ động trang bị công cụ, tự tìm hiểu và áp dụng, chia sẻ trong cộng đồng để tối ưu hóa quá trình sản xuất và làm việc.
Không những thế, trong một nghiên cứu của Amazon công bố hồi tháng 4 về các xu hướng sử dụng và nhu cầu về kỹ năng về AI tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương chỉ ra rằng 81% người sử dụng lao động cho biết họ không biết cách thực hiện chương trình đào tạo AI cho nhân viên. Cơ hội tiếp cận đến công cụ AI của người lao động phổ thông ngày càng thu hẹp.
Vậy nhưng các chuyên gia nhận định: Có rất nhiều tiềm năng trong kỷ nguyên AI. Đây là thời đại mà các bạn trẻ cần tự giác học hỏi để có thể phát huy tối đa tính sáng tạo và nhanh chóng bắt kịp yêu cầu về hiệu quả công việc với sự hỗ trợ của nhiều loại ứng dụng AI khác nhau.
Với ưu thế về khả năng tự học và tiếp cận kiến thức mới nhanh chóng của thế hệ “sinh ra cùng công nghệ”, giới trẻ hiện nay, đặc biệt là các lao động phổ thông trẻ đang đứng trước cơ hội để trở thành những người tiên phong làm việc cùng AI, làm nghề với AI và sống cùng AI.