Kinh tế

Nông nghiệp

Lão nông lên đỉnh núi Dài lập vườn cây ăn trái thu tiền tỷ mỗi năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tính đến nay trong khu vườn rừng rộng trên 2 ha của ông đã có trên 200 cây bưởi da xanh trên 8 năm tuổi đang ra trái; xoài cát Hòa Lộc trên 50 cây, mỗi năm cho 2 tấn trái. Ngoài ra còn có 100 cây quýt hồng và quýt đường…

Ông Đào Văn Đua, 74 tuổi là một nông dân đã gắn bó đời mình với núi Dài (Ngọa Long Sơn) từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Hơn 40 năm qua, ông vừa có công bảo vệ rừng phòng hộ, vừa trồng cây ăn trái để phát triển kinh tế gia đình tại Ô Vàng (Núi Dài), nay thuộc xã Lê Trì, huyện Tri Tôn, An Giang.

 
Vườn bưởi 8 năm tuổi trên núi Dài của ông Hai Đua
Vườn bưởi 8 năm tuổi trên núi Dài của ông Hai Đua


Ngọa Long Sơn là một dãy núi dài nhất (8.000m) trên vùng Bảy Núi – An Giang, nối liền với ba xã: Châu Lăng, Lương Phi, Lê Trì và thị trấn Ba Chúc. Đây là một dãy núi hoang sơ, huyền bí, nhiều thú dữ và chim muông, ít người lui tới. Nhiều vị cao niên kể lại trước kia bà con lên núi làm rẫy thường bị heo rừng vả lũ khỉ kéo đến phá hoại mùa màng, đáng sợ nhất là rắn rết, muỗi mòng, đỉa vắt. Còn giờ đây, đất rừng đã trở thành đất vườn, quanh năm cây cối xanh tươi, người lên núi ngày càng đông, chòi rẫy bắt đầu mọc lên.

Kể từ năm 1996, được sự hỗ trợ cùa ngành Kiểm lâm, bà con sơn dân đã hưởng ứng chương trình trồng rừng phòng hộ phủ xanh đồi trọc xen lẫn cây ăn trái. Ông Đào Văn Đua (Hai Đua) là một trong những người đầu tiên lên Ô Vàng trồng rừng phòng hộ xen lẫn cây ăn trái như xoài cát, bơ, mít, xoài riêng, cam, quýt, mãng cầu…

 

 Ông Đào Văn Đua giới thiệu cây bưởi da xanh 8 năm tuổi trên Ô Vàng – núi Dài
Ông Đào Văn Đua giới thiệu cây bưởi da xanh 8 năm tuổi trên Ô Vàng – núi Dài


Đầu tiên ông trồng su su, xà lách xoong, sau đó ông được GS.TS Võ Tòng Xuân hỗ trợ cho ông cây giống xoài riêng và cam dây để trồng thử nghiệm. Sau một thời gian thử nghiệm ông nhận thấy vùng đất nầy thích hợp với cây xoài cát Hòa Lộc và bưởi da xanh. Do vậy ông đã chọn cây xoài và cây bưởi làm cây chủ lực.

Ông cho biết tuy là vùng đất núi khô cằn nhưng nhờ ở độ cao trên 500m nên khí hậu mát mẻ, sương nhiều, thổ nhưỡng thích hợp nên cây cối, hoa màu đều phát triển xanh tươi, hầu như các loài cây có múi chưa bị bệnh vàng lá gân xanh như ở đồng bằng, mặc dù nguồn nước tưới rất khan hiếm.

Tính đến nay trong khu vườn rừng rộng trên 2 ha của ông đã có trên 200 cây bưởi da xanh trên 8 năm tuổi đang ra trái; xoài cát Hòa Lộc trên 50 cây, mỗi năm cho 2 tấn trái. Ngoài ra còn có 100 cây quýt hồng và quýt đường; 100 cây cam sành, bơ, vú sữa, mãng cầu…

 

 Ông Hai Đua thu hoạch xoài cát Hòa Lộc trên Ô Vàng – núi Dài
Ông Hai Đua thu hoạch xoài cát Hòa Lộc trên Ô Vàng – núi Dài


Ông cho biết sau khi tổng kết, năm 2016 gia đình ông đã thu nhập trên 600 triệu đồng, trừ hết các chi phí còn lời khoảng nửa tỷ bạc. So với miền rừng núi, số tiền đó thật quá lớn đối với người nông dân một nắng hai sương.

Ông phấn khởi cho biết nhờ đất núi, khí hậu trong lành nên chất lượng của xoài, bưởi và cam quýt đều cao hơn ở đồng bằng, nhất là giống bưởi và cam quýt bản địa càng ngọt lành, thanh tao. Nhờ vậy mà đến mùa thu hoạch, các thương lái đều đến tận vườn thu mua, không bị ép giá.

Ngoài sản xuất kinh doanh giỏi, ông Hai Đua còn là một lão nông nặng tình với xóm làng. Chính ông đã cùng với một số nhà hảo tâm đứng ra vận động bà con làm con đường lên núi dài gần 3.000 mét, trong đó cá nhân ông đã đóng góp hàng trăm triệu đồng.

Tuy là con đường nhỏ hẹp, tráng xi măng nhưng lại là con đường mơ ước của nhiều người. Lúc chưa có đường, bà con phải gồng gánh trái cây, rau củ xuống núi mất từ 2-3 tiếng đồng hồ, giờ đây xe máy thồ chỉ chạy khoảng 20 phút, vừa nhanh chóng vừa chở được nhiều hàng hóa.

Ông Hai Đua vui mừng cho biết: “Từ khi con đường nầy hoàn thành, trái cây, rau củ lưu thông dễ dàng và khách tham quan du lịch lên núi cũng càng lúc càng đông vui.

Theo Danviet

Có thể bạn quan tâm