Thời sự - Sự kiện

Lấy phiếu tín nhiệm cấp trưởng, phó các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND tỉnh Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Phiếu tín nhiệm ghi rõ họ tên, chức vụ của người được lấy phiếu tín nhiệm; có 3 mức tín nhiệm là "tín nhiệm cao", "tín nhiệm" và "tín nhiệm thấp". Trường hợp có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ thực hiện miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác (thấp hơn).

Ngày 26-7, UBND tỉnh Gia Lai ban hành Kế hoạch số 1959/KH-UBND về lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh cấp trưởng, cấp phó các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND tỉnh.

Theo đó, các chức danh, chức vụ lấy phiếu tín nhiệm gồm: cấp trưởng, cấp phó các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh; đối với các chức danh nêu trên đã có thông báo nghỉ hưu hoặc được bổ nhiệm trong năm lấy phiếu thì không thực hiện lấy phiếu tín nhiệm.

Thành phần ghi phiếu tín nhiệm gồm: cấp trưởng, cấp phó các cơ quan, đơn vị; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ (hoặc Chi ủy viên chi bộ cơ sở) cơ quan, đơn vị; cấp trưởng các phòng, ban, đơn vị trực thuộc cơ quan, đơn vị; trưởng các đoàn thể ở cơ quan, đơn vị. Đối với doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND tỉnh mời thêm Trưởng Ban kiểm soát, Kiểm soát viên, Kế toán trưởng tham gia ghi phiếu tín nhiệm.

Ảnh minh họa, nguồn internet

Ảnh minh họa, nguồn internet

Thời điểm lấy phiếu tín nhiệm thực hiện trong quý III-2023. Địa điểm lấy phiếu tín nhiệm tại cơ quan, đơn vị công tác. Các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch cụ thể, dự kiến thời gian tổ chức hội nghị lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh trên gửi cơ quan có thẩm quyền trước ngày lấy phiếu tín nhiệm 10 ngày (qua Sở Nội vụ theo dõi, tổng hợp). Hội nghị lấy phiếu tín nhiệm chỉ được tiến hành khi có ít nhất 2/3 số người được triệu tập có mặt.

Tiêu chí lấy phiếu tín nhiệm gồm: Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật; kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao (tính từ đầu nhiệm kỳ đến thời điểm lấy phiếu tín nhiệm).

Quy trình lấy phiếu tín nhiệm gồm 3 bước: Bước 1: chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm; bước 2: tổ chức lấy phiếu tín nhiệm; bước 3: báo cáo kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ theo quy định.

Những trường hợp có trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn; xem xét cho thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức hoặc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định.

Những trường hợp có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ thực hiện miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác (thấp hơn) mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm.

Đối với người được lấy phiếu tín nhiệm ở 2 nơi (gồm các chức danh do HĐND bầu và tổ chức lấy phiếu tín nhiệm) thì việc đánh giá tín nhiệm đối với cán bộ sẽ do cấp có thẩm quyền quyết định trên cơ sở xem xét tổng thể kết quả phiếu tín nhiệm ở từng nơi.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị tổ chức xây dựng kế hoạch riêng của cơ quan, đơn vị mình. Đồng thời, mời đại diện của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Đảng ủy cấp trên trực tiếp và Sở Nội vụ tham gia giám sát hội nghị lấy phiếu tín nhiệm. Tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 25-9 (qua Sở Nội vụ), trình Ban cán sự đảng UBND tỉnh báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kết quả tín nhiệm đối với các chức danh thuộc Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.

Có thể bạn quan tâm