Thời sự - Bình luận

Lấy phiếu tín nhiệm để có đội ngũ cán bộ tốt

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 96-QĐ/TW về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, làm cơ sở đánh giá uy tín, năng lực làm việc của đội ngũ cán bộ. Ai không đạt yêu cầu sẽ bị miễn nhiệm; cán bộ tốt được tạo điều kiện phát triển năng lực, giúp họ có cơ hội cống hiến nhiều hơn.

Từ 10 năm trước, việc lấy phiếu tín nhiệm đã được Quốc hội khóa XIII tiến hành đối với những chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Việc này đã giúp Quốc hội và cử tri phần nào nhìn ra năng lực, uy tín của một số cán bộ lãnh đạo thuộc bộ máy Quốc hội và Chính phủ trong quá trình thực thi nhiệm vụ được giao.

Theo Quy định số 96-QĐ/TW, diện cán bộ lãnh đạo phải lấy phiếu tín nhiệm không dừng lại ở các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư như trước đây mà đã mở rộng ra toàn hệ thống chính trị, gồm các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận, đoàn thể từ trung ương đến cấp có đơn vị trực thuộc với 3 mức độ: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp”. Đây sẽ là kênh thông tin quan trọng phục vụ cho công tác đánh giá cán bộ của Đảng. Cán bộ nếu không đạt yêu cầu tín nhiệm cần thiết sẽ bị miễn nhiệm. Cụ thể, những người có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp sẽ bị miễn nhiệm chức vụ đang giữ và bố trí công tác khác thấp hơn mà không chờ đến hết nhiệm kỳ hoặc hết thời hạn bổ nhiệm.

Có thể nói, Quy định số 96 là bước cụ thể hóa tiếp theo của Quy định số 41-QĐ/TW ngày 3-11-2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ và Thông báo kết luận số 20/TB-TW ngày 8-9-2022 của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật. Với ý nghĩa như vậy, Bộ Chính trị yêu cầu rất cụ thể trách nhiệm của người được lấy phiếu tín nhiệm trong việc cung cấp thông tin trung thực, rõ ràng cho tổ chức. Với người bỏ phiếu, phải nêu cao tinh thần trách nhiệm với tổ chức khi dùng lá phiếu của mình đánh giá chất lượng cán bộ lãnh đạo. Không vì yêu ghét cá nhân mà bỏ phiếu theo cảm tính hay xuề xòa cho qua.

Người được lấy phiếu tín nhiệm cũng nhờ việc này mà biết được sự nhìn nhận, đánh giá của tập thể về uy tín, năng lực thực sự của mình đang ở mức nào. Từ đó, có thể tự biết cách sửa chữa, khắc phục khuyết điểm để ngày càng hoàn thiện nhân cách, tác phong, nâng cao hiệu quả công tác. Cấp quản lý cán bộ cũng nhờ kết quả lấy phiếu tín nhiệm mà đánh giá cán bộ đúng hơn. Tùy mức độ tín nhiệm của cán bộ mà tổ chức, cơ quan quản lý, lãnh đạo cán bộ đó có cách ứng xử phù hợp. Người nào được tạo điều kiện phấn đấu, người nào phải giáng chức, giáng cấp cho vừa với trình độ năng lực, uy tín của họ, không để những người bất tài nắm giữ quyền lực, dễ gây tai họa cho nước cho dân.

Một điểm đáng chú ý trong Quy định số 96 là Bộ Chính trị đã bổ sung tiêu chí về sự gương mẫu của vợ, chồng, con cái của cán bộ trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước, cũng như trách nhiệm nêu gương của cán bộ để xem xét khi lấy phiếu tín nhiệm. Bởi lẽ, thực tế cho thấy, dù xã hội có thay đổi thế nào thì xưa nay, những giá trị cơ bản của phép hành xử “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” vẫn còn nguyên giá trị như một tố chất, một khái niệm về tài đức của người làm lãnh đạo. Thực tế cũng cho thấy, không ít cán bộ lãnh đạo đã đánh mất danh dự, sự nghiệp chỉ vì để người thân trong gia đình có những việc làm tác động xấu đến sự nghiệp chung.

Lấy phiếu tín nhiệm, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Không phải là để truy cứu trách nhiệm”, mà là bước để giúp cho cán bộ, đảng viên tự điều chỉnh, phấn đấu, rèn luyện, vươn lên hoàn thiện bản thân tốt hơn, góp phần làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đất nước có được đội ngũ cán bộ lãnh đạo có tài, có đức hơn.

Có thể bạn quan tâm