(GLO)- Khi mùa khô lên đến đỉnh điểm, bà con buôn Rưng Ama Nin (xã Ia Rbol, thị xã Ayun Pa) lại tổ chức cúng cầu mưa. Các già làng mấy ngày liền họp bàn chuẩn bị nghi thức, lễ vật, sửa soạn chiêng, ché cho sự kiện quan trọng của làng.
Sáng sớm ngày 29-5, hội đồng già làng cùng một số phụ nữ tập trung về nhà bà Rơ Com Hkliơng. Sinh thời, cha của bà Hkliơng đảm nhận việc cúng tế của buôn. Tất cả các lễ cúng lớn nhỏ đều diễn ra tại ngôi nhà sàn gần trăm tuổi ấy. Bà con trong buôn Rưng Ama Nin vẫn hay gọi nhà của bà Hkliơng là “nhà thiêng”.
Lễ cúng cầu mưa của người Jrai ở Rưng Ama Nin chỉ có 12 người được tham dự, trong đó có ông Ksor Hơ năm nay đã 96 tuổi với vai trò chủ lễ, ông Rơ Mah Phép và Nay Dí là phụ tá. Những người còn lại phụ trách khâu chuẩn bị, phục vụ buổi lễ. Đây đều là người có uy tín, có ảnh hưởng tích cực với cộng đồng. Ông Nay Nhơn-Trưởng ban Công tác Mặt trận buôn Rưng Ama Nin, chồng bà Hkliơng-cho hay: “Trong ngày cúng cầu mưa, bà con phải kiêng cữ, không đi làm, không được cầm cuốc, cầm rựa. Trước khi lễ cúng chính diễn ra thì từ chiều hôm trước, buôn Rưng Ama Nin đã cúng xua đuổi tà ma. Vật phẩm trong buổi lễ chính là một con heo đực đen tuyền không có đốm trắng, nặng khoảng 20 kg và 3 ghè rượu. Những vật dụng dùng trong lễ cúng có 1 tô đồng, 5 tô sứ trắng, 5 cần rượu bằng tre. Theo truyền thống, chúng chỉ được dùng vào việc cúng tế, ngày thường không sử dụng bao giờ”.
Những cộng sự đang chuẩn bị thức ăn phục vụ lễ cúng. Ảnh: P.L |
Đúng 9 giờ, lễ cúng cầu mưa bắt đầu. Dù tuổi cao sức yếu nhưng ông Ksor Hơ vẫn thuộc lòng từng nghi thức, từng bài cúng. Đặt tay lên ghè rượu đầu tiên, ông Hơ lầm rầm đọc bài khấn bằng tiếng Jrai, nội dung cầu cho mưa thuận gió hòa, dân làng bình an, khỏe mạnh, ấm no. Cuộc trò chuyện giữa chủ lễ và thần linh kéo dài chừng 10 phút. Sau đó, ông Hơ múc nước đựng từ chiếc thau đồng đổ đầy vào từng ghè rượu, rồi khẽ vít cần uống một ngụm. Sau đó, bà Hkliơng được chủ tế mời lên uống rượu. Lần lượt nhấp đủ rượu 3 chiếc ghè, bà Hkliơng mời rượu lại chủ lễ để cảm ơn. Xong đâu đấy, một mâm cơm nhỏ được dọn lên, chủ lễ, chủ nhà và các cộng sự cùng nhau thưởng thức quanh ghè rượu cần. Ai cũng khẽ khàng, trò chuyện rì rầm. Bên ngoài, trời vẫn chói chang, thế nhưng ai cũng tin rằng mưa sẽ tới nhanh thôi. Và quả thật, trời không phụ lòng người Rưng Ama Nin. Chiều hôm ấy, thị xã Ayun Pa đón một cơn “mưa vàng” giải nhiệt, xua tan không khí nóng bức, oi ả.
Cúng cầu mưa là một trong những nghi lễ quan trọng trong đời sống tín ngưỡng, tâm linh của người Jrai, đặc biệt ở khu vực Đông Nam tỉnh. Qua thời gian và tùy điều kiện thực tế, mỗi buôn làng có cách thức tổ chức khác nhau song lễ cầu mưa vẫn là nghi lễ được truyền giữ lâu đời, vẹn nguyên giá trị, ý nghĩa cho tới ngày nay. Năm nay, lễ cầu mưa của buôn Rưng Ama Nin nằm trong chương trình phục dựng lễ hội do Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San phối hợp cùng UBND thị xã Ayun Pa tổ chức. Ông Nguyễn Ngọc Long-Phó Giám đốc Nhà hát-cho hay: “Từ năm 2019, Nhà hát bắt đầu triển khai tìm kiếm và tổ chức phục dựng các nghi lễ truyền thống trong cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Ở mỗi vùng, mỗi buôn làng, bà con đều lưu giữ những lễ cúng rất độc đáo, ý nghĩa. Đó là suối nguồn của văn hóa cần được gìn giữ và trao truyền. Mỗi chương trình phục dựng, chúng tôi đều để bà con làm chủ thể và khuyến khích tổ chức đúng theo các nghi thức do cha ông truyền lại”.
Chủ tế mời rượu chủ nhà tại lễ cúng cầu mưa. Ảnh: P.L |
Già làng Ksor Chuel chuyện trò: “Hôm nay, buôn tổ chức lễ cúng cầu mưa vừa để cầu mưa thuận gió hòa, vừa giúp cho lũ trẻ hiểu biết thêm về phong tục tốt đẹp của cha ông mà ra sức gìn giữ. Đây cũng là dịp để người già, người trẻ trong buôn gặp nhau gửi gắm tâm tình, dặn dò con cháu yêu thương, đoàn kết, gìn giữ vốn quý văn hóa và chung tay xây dựng buôn làng thêm ấm no, giàu đẹp”. Bà Hkliơng cũng bày tỏ: “Bây giờ, một số nghi lễ có sự thay đổi cho phù hợp với đời sống thực tế. Ví dụ lễ cúng cầu mưa của buôn Rưng Ama Nin trước đây chỉ diễn ra trong nhà, không có nhiều người được theo dõi nhưng bây giờ thì có thể tổ chức bên ngoài, cho nhiều người cùng xem. Tôi nghĩ đây cũng là cách giúp lớp trẻ học hỏi, kế thừa”.
PHƯƠNG LINH