Theo già làng Y Thành (66 tuổi, làng KDung, xã Hra, huyện Mang Yang), xưa kia, người Bahnar quan niệm rằng, mỗi đứa bé khi sinh ra chỉ được xem là thành viên trong gia đình, dòng tộc và cộng đồng khi đã tổ chức xong lễ cúng rụng rốn và đặt tên. Bởi vậy, cúng rụng rốn là nghi lễ rất quan trọng, vừa là niềm vui, vừa là trách nhiệm của gia đình đối với đứa bé.
Khi đứa bé mới sinh ra chưa rụng rốn, chưa có tên, nếu trong giai đoạn này mà không may qua đời thì cha mẹ và gia đình đem chôn cất nhưng không tổ chức tang lễ. Còn nếu trời thương, phù hộ đến khi đứa bé rụng rốn thì cha mẹ, họ hàng đứa bé vui mừng, tổ chức lễ cúng rụng rốn và đặt tên. Lúc này, đứa bé chính thức được xem là thành viên trong gia đình.
Thầy cúng mời rượu mừng cha mẹ và đứa bé đã được làm lễ cúng rụng rốn và đặt tên. Ảnh: A.D |
Theo phong tục của người Bahnar, trong vòng đời của mỗi người thường trải qua 3 lễ cúng quan trọng gồm: lễ cúng rụng rốn và đặt tên; lễ thổi tai được tổ chức khi đứa trẻ biết bò hoặc chập chững tập đi; lễ trưởng thành (chủ yếu gia đình giàu có tổ chức cho con cái) diễn ra khi đứa trẻ 9-11 tuổi, bắt đầu có ý thức biết, tự chơi, tự đi câu cá, bẫy chim...
Cả 3 lễ cúng đều nhằm cầu an, mong muốn Yàng che chở, phù hộ cho đứa trẻ có sức khỏe tốt, thông minh, siêng năng chăm chỉ, bình an cả đời. Tuy nhiên, lễ cúng rụng rốn có giá trị tinh thần cao hơn cả vì không chỉ giúp đứa bé là thành viên chính thức trong gia đình và cộng đồng mà còn là dịp để gia đình bày tỏ lòng biết ơn với các thần linh đã che chở cho đứa bé qua được giai đoạn sơ sinh tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm.
Ngày nay, lễ cúng rụng rốn vẫn được cộng đồng người Bahnar xem trọng và gìn giữ. Già làng Y Thành khẳng định: “Đến nay, chúng tôi vẫn gìn giữ lễ cúng này. Đây cũng là nghi lễ đầu tiên trong vòng đời của người Bahnar để cầu xin Yàng ban ơn phước, phù hộ cho đứa trẻ lớn nhanh, khỏe mạnh”.
Để thực hiện lễ cúng rụng rốn, thông thường sau khi sinh đứa bé, các thành viên trong gia đình chuẩn bị những lễ vật cần thiết, cùng bàn luận và chọn cái tên ưng ý để tiến hành làm lễ. Lễ cúng được tổ chức to hay nhỏ tùy theo điều kiện kinh tế của gia đình nhưng bắt buộc phải có 1 con gà nướng, 2 ghè rượu.
Bên cạnh đó, anh em, họ hàng thân thiết góp thêm những ghè rượu, gà vịt... theo khả năng, vừa để giúp đỡ, chung vui, vừa để tạo nên tình cảm gắn bó, thân tình. Khi lễ vật đã chuẩn bị đủ, gia đình mời thầy cúng tiến hành lễ, khi cúng phải cúng bằng tên của đứa bé.
Thực hiện xong nghi lễ, mọi người cùng ăn uống mừng cho đứa trẻ đã có tên, mừng cho gia đình có thêm thành viên mới. Về rượu cúng rụng rốn, gia đình sẽ mời bà mụ đỡ đẻ uống trước. Tiếp đó, già làng mời rượu cha mẹ đứa bé để chúc phúc...
Lúc này, gia đình cũng bắt đầu thay đổi cách xưng hô, dựa vào tên của đứa bé. Chẳng hạn đứa bé tên Tâm thì họ sẽ xưng hô, gọi nhau như bố Tâm, mẹ Tâm hoặc ông-bà Tâm ơi... Và, người Bahnar tin rằng, khi đã thực hiện xong lễ cúng rụng rốn thì đứa bé sẽ được trời đất phù hộ, có sức khỏe tốt, siêng năng chăm chỉ, bình an cả đời.