Văn hóa

Linh thiêng lễ cúng cầu mưa Yang Pơtao Apui trên đỉnh núi thần Chư Tao Yang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Được chính các phụ tá Vua Lửa thực hiện trên đỉnh núi thần Chư Tao Yang, lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui (huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) mang tính chất linh thiêng, huyền bí, thể hiện tín ngưỡng đa thần của người Jrai vùng thung lũng Cheo Reo xưa.
Lễ vật cúng cầu mưa gồm 1 ghè rượu, 1 đĩa thịt heo đen, 1 chén gạo, 1 cây nến. Ảnh: Vũ Chi

Lễ vật cúng cầu mưa gồm 1 ghè rượu, 1 đĩa thịt heo đen, 1 chén gạo, 1 cây nến. Ảnh: Vũ Chi

Được thực hiện vào dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 hàng năm, lễ cúng cầu mưa Yang Pơtao Apui đã trở thành hoạt động văn hóa được đông đảo người dân và du khách chờ đón.

Đúng 8 giờ 45 phút, ông Siu Phơ (phụ tá Vua Lửa thứ 14) dẫn đầu đoàn nghi lễ rước lễ vật lên đỉnh núi thần Chư Tao Yang để thực hiện nghi thức cúng cầu mưa. Bộ chiêng Ơi Tú gồm 1 chiếc trống lớn làm từ da trâu, 3 chiếc cồng và 1 con heo đen còn sống khoảng 60 kg được đoàn người khiêng lên núi thần làm lễ vật cúng.

Tương truyền, các đời Vua Lửa phải kiêng ăn thịt bò, thịt ếch, nhái bởi bò là con vật gắn bó, giúp nông dân cày ruộng, trồng tỉa mùa màng; còn ếch, nhái là con vật báo trời mưa vì vậy chiếc trống dùng trong lễ cúng phải được làm từ da trâu; thịt heo phải là heo đen còn tơ, heo càng to càng thể hiện lòng thành kính của dân làng với các vị thần linh.

Lửa được nhóm lên, chưa đầy 15 phút, con heo đã được làm thịt sạch sẽ. Nhận thịt heo từ những người phụ việc, ông Rah Lan Hieo (cùng là phụ tá Vua Lửa thứ 14) nhanh chóng bày ra đĩa cùng các lễ vật gồm 1 ghè rượu, 1 tô gạo. Khi ngọn nến được thắp sáng cũng là lúc tiếng cồng, tiếng trống vang lên, ông Siu Phơ chắp tay lạy 3 lạy và bắt đầu bài cúng.

Ông Siu Phơ đổ rượu, thịt vào khe núi để tưởng nhớ các đời Vua Lửa trước đây. Ảnh: Vũ Chi

Ông Siu Phơ đổ rượu, thịt vào khe núi để tưởng nhớ các đời Vua Lửa trước đây. Ảnh: Vũ Chi

“Hỡi các thần linh…xin cùng về đây nhận lễ vật của dân làng Phú Thiện và ban cho mưa xuống để người dân có nước trồng tỉa, lúa trổ nhiều bông, chắc hạt, mùa màng bội thu, lúa đầy bồ, thóc đầy kho, mọi gia đình trong buôn làng được no đủ…Hỡi Yang”.

Vừa khấn, ông Siu Phơ vừa lấy gạo, thịt trong tô vãi ra xung quanh để mời thần Núi, thần Sông, thần Gỗ, thần Đá…cùng về dự lễ. Tiếp đến, ông rót rượu vào 1 cái tô đồng, lấy thịt đem đến đổ vào gốc cây và khe núi như để tưởng nhớ các Pơtao Apui đã khuất núi, cầu xin các Pơtao Apui phù hộ cho lời cầu khấn thành hiện thực. Khi ông Siu Phơ quay trở lại ché rượu, ông Rah Lan Hieo từ từ đứng dậy, làm động tác xoang như đại bàng cất cánh để đưa lời khấn đến các thần linh. Tất cả được thực hiện một cách nhịp nhàng. Trong không gian núi rừng linh thiêng, ngoài tiếng cồng chiêng, tiếng thầy cúng, mọi người đều yên lặng dõi theo bởi họ tin rằng chỉ khi kính trọng các vị thần thì sẽ được thần linh phù hộ.

Ông Siu Phơ chia sẻ: Được dân làng tin cậy giao trọng trách cúng cầu mưa là một niềm vinh dự song cũng là trọng trách rất lớn đối với ông. Đây là lễ cúng rất thiêng liêng, bản thân ông đã từng theo phụ các Vua Lửa nên nắm rất rõ. Tuy nghi thức cúng ở mỗi vùng, dưới mỗi đời Vua Lửa có thể có nhiều điểm khác nhau song đều chung một ý nghĩa là cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. “Tôi đã thay mặt dân làng gửi nguyện vọng tới các vị thần. Mong rằng trong những ngày tới, trời sẽ đổ mưa xuống tưới mát ruộng đồng, cho dân làng những vụ mùa bội thu”-ông Phơ bộc bạch.

Ông Rah Lan Hieo (đững) làm động tác xoang như đại bàng cất cánh để gửi lời thỉnh cầu đến thần linh. Ảnh: Vũ Chi

Ông Rah Lan Hieo (đững) làm động tác xoang như đại bàng cất cánh để gửi lời thỉnh cầu đến thần linh. Ảnh: Vũ Chi

Mặc dù đã tham dự lễ cúng cầu mưa Yang Pơtao Apui rất nhiều lần nhưng đây là lần đầu tiên bà Ksor H’Phoanh (thị trấn Phú Thiện) được theo dõi trực tiếp lễ cúng qua màn hình lớn dưới sân khấu. Bà H’Phoanh bộc bạch: Theo dõi nghi lễ giúp bà hiểu thêm về tín ngưỡng văn hóa lâu đời của ông cha. 2 tháng trở lại đây trời nắng gắt, các ao hồ, sông suối đều trơ đáy khiến cây cối thiếu nước nghiêm trọng, mùa màng của người nông dân bị thiệt hại nặng nề. Nếu những ngày tới trời không đổ mưa thì sản xuất, sinh hoạt của người dân sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì vậy, thực hiện nghi lễ cúng cầu mưa vào thời điểm này là thực sự cần thiết. Lời thầy cúng cũng chính là tâm nguyện của cả dân làng.

Ông Phạm Văn Trần Hưng-Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phú Thiện-cho biết: Cúng cầu mưa là nghi lễ quan trọng nhất mà các Pơtao Apui thực hiện. Người Jrai vùng thung lũng Cheo Reo tin rằng, với chiếc gươm thần, Pơtao Apui là người duy nhất có thể liên hệ với thần linh để gọi gió về tưới mát ruộng đồng. Vì vậy, hàng năm, vào cao điểm mùa khô, huyện Phú Thiện đều tổ chức lễ cúng cầu mưa để cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Nghi thức cúng được phục dựng nguyên bản do chính các phụ tá Vua Lửa thực hiện trên đỉnh núi thần Chư Tao Yang để đảm bảo sự linh thiêng, huyền bí.

“Nhiều người dân tham gia lễ cúng cầu mưa đều thừa nhận rằng, sau mỗi lần cúng lễ trời đều đổ mưa. Không ai có thể lý giải được điều này song mọi người đều tin rằng ước nguyện của họ đã được thần linh nghe thấu và các phụ tá Vua Lửa như ông Siu Phơ, ông Rah Lan Hiao đều là chỗ dựa vững chắc trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây. Hy vọng điều kỳ diệu ấy sẽ tái hiện trong những ngày tới, mang niềm vui đến với tất cả dân làng”-Ông Hưng kỳ vọng.

Có thể bạn quan tâm