Tết Việt

Lễ cúng Tết âm lịch của người Dao đỏ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Người Dao đỏ thường quan niệm một năm có 3 Tết, đó là Tết âm lịch, Tết thanh minh và rằm tháng bảy.

Mỗi một Tết của người Dao đỏ đều mang một ý nghĩa riêng và việc thực hiện các nghi lễ cúng cũng có phần khác nhau. Vậy lễ cúng Tết âm lịch của người Dao đỏ như thế nào?

 

 

Lễ cúng Tết âm lịch của người Dao Đỏ, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái thường được tổ chức từ ngày 15 đến hết ngày 30 tháng Chạp, khi mùa màng đã thu hoạch xong. Khắp làng trên xóm dưới đều háo hức chuẩn bị những lễ vật quan trọng nhất để dâng cúng lên ông bà, tổ tiên. Với quan niệm Tết là dịp để cả nhà nghỉ ngơi, sum họp sau một năm lao động sản xuất và báo cáo với tổ tiên về thành quả của gia đình trong một năm.

Trước khi chọn được ngày giờ và mời được thầy cúng, người phụ nữ trong gia đình phụ trách việc làm bánh để cúng Tết. Bánh cúng Tết của người Dao đỏ phải là loại bánh gù và bánh dày, với quan niệm dâng lên ông bà tổ tiên loại bánh thơm ngon nhất mà tổ tiên đã phù hộ cho mùa màng trong một năm qua, còn lại phần việc mổ lợn, gà , bày lễ cúng Tết do người đàn ông đảm nhiệm.

Anh Phùng Sinh Phúc, thôn Ngòi Thuồng, xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái cho biết: "Cúng tổ tiên phải có con gà luộc, con lợn sau khi được mổ sạch chỉ lấy phần gan đặt lên bàn thờ, 4 bánh gù, 6 bánh dày xếp thành hai chồng đặt cạnh hai bên bàn thờ, hoa quả, hai cây mía để cả lá. Trước khi đặt lễ vật cúng thì gia chủ phải dọn sạch bàn thờ, thay tro bát hương, gói xì chiên và 5 chén nước".

Điều đặc biệt trong lễ cúng Tết âm lịch của người Dao đỏ Lục Yên là chỉ lấy bộ gan lợn đem cúng. Người Dao đỏ cho rằng bộ gan lợn thể hiện tấm lòng của gia chủ đối với ông bà tổ tiên. Phần còn lại được gia đình đem chế biến thành nhiều món ăn. Sau khi tất cả những lễ vật được bày trước bàn thờ tổ tiên, người thầy cúng được gia chủ mời về thay mặt cho gia đình cầm bộ gõ âm dương (boz cháo) gõ 2 lần để báo cáo mời tổ tiên về nhận lễ, chứng giám thành quả lao động sản xuất của gia chủ, cầu mong ông bà tổ tiên phù hộ cho gia đình trong một năm mới.

Sau khi lễ cúng kết thúc, thầy cúng đốt giấy gió (tiền giấy) cảm ơn và mời tổ tiên ở lại cùng gia đình ăn Tết đón năm mới. Phần lễ cúng được gia chủ mang xuống dọn ra mâm cho con cháu cùng ăn. Người Dao đỏ quan niệm cúng Tết tức là tổng kết quá trình một năm lao động sản xuất nên rất quan trọng đối với họ, gia đình nào cũng tổ chức làm vài mâm cỗ mời anh em hàng xóm đến cùng ăn uống vui vẻ, kể lại chuyện làm ăn và định hướng cho năm tới.

Bà Lý Thị Pham, thôn làng Sài, xã Trung Tâm, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái phấn khởi nói: "Hôm nay gia đình làm 6 mâm cơm mời anh em hàng xóm đến chung vui cùng gia đình ăn Tết, dù to hay nhỏ cũng là tổng kết thành quả lao động sản xuất của một năm, điều quan trọng hơn nữa là tạ ơn ông bà tổ tiên đã phù hộ cho gia đình trong một năm qua, đây là nét đẹp văn hoá truyền thống của người Dao đỏ Lục Yên chúng tôi".

Lễ cúng Tết âm của người Dao đỏ huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái chứa đựng nét văn hoá tâm linh sâu sắc. Vì thế, nghi lễ này đến nay vẫn được các thế hệ con cháu trong cộng đồng người Dao đỏ gìn giữ, phát huy.

Theo VOV

Có thể bạn quan tâm