Tết Việt

Thả cá chép ngày ông Công ông Táo thế nào cho ý nghĩa, linh thiêng?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sau nghi lễ cúng Táo quân, các gia đình thường mang cá chép ra sông, hồ thả. Tuy nhiên, ít ai biết ý nghĩa của tục lệ này.

Bé gái thả cá chép trong ngày 23 tháng Chạp. Ảnh: VietNamNet.
Bé gái thả cá chép trong ngày 23 tháng Chạp. Ảnh: VietNamNet.



Đã thành thông lệ, đến ngày 23 tháng Chạp hàng năm, sau khi thực hiện nghi lễ cúng ông Công ông Táo, các gia đình thường mang cá chép ra sông, hồ thả. Thế nhưng, ý nghĩa của tục lệ này không phải ai cũng nắm rõ.

Trao đổi với VietNamNet, Thượng tọa Thích Đức Thiện -  Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội đồng trị sự, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam cho biết:

“Theo tín ngưỡng dân gian, vào ngày này, người dân mua 2 -3 con cá chép sống thả vào chậu nước sạch, đặt bên cạnh mâm cỗ cúng Táo quân.

Sau khi cúng bái xong, cá được mang ra thả ở sông, hồ đưa các Táo lên Thiên đình báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người trong một năm để Thiên đình định đoạt công tội cho tất cả loài người.

Đêm Giao thừa, Táo quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc trông coi bếp lửa gia đình.

Tuy nhiên, theo giáo lý nhà Phật, hành động thả cá chép mang ý nghĩa phóng sinh”.


 

Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội đồng trị sự, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam
Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội đồng trị sự, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam



Theo Thượng tọa, phóng sinh là khơi dậy lòng hiếu sinh, sự thiện lương của con người.

Phóng sinh tức là ta nhìn thấy các loại chúng sinh có mạng sống đang bị bắt nhốt, giam cầm, sắp sửa bị giết hại, liền khởi phát lòng từ bi, tìm cách cứu chuộc mạng sống cho chúng.

Ngoài ra, trong tâm thức người Việt, "cá vượt vũ môn" hay "cá chép hóa rồng" còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí chinh phục tri thức để đi tới thành công.

Phóng sinh cá chép ngày ông Công ông Táo không chỉ là một nét đẹp văn hóa, mà còn thể hiện sự từ bi quý báu của người Việt Nam.

Hiện nay, nhiều người không hiểu hết ý nghĩa của việc này mà chạy theo phong trào.

Họ cho rằng, càng phóng sinh nhiều càng được Phật tổ ban cho nhiều tài lộc, may mắn… Nhưng thực tế, đó là quan niệm sai lầm, mang hơi hướng mê tín dị đoan.

 

 Người đàn ông thả cá chép ở Hồ Tây (Hà Nội). Ảnh: VietNamNet.
Người đàn ông thả cá chép ở Hồ Tây (Hà Nội). Ảnh: VietNamNet.



Thượng tọa Thích Đức Thiện phân tích: “Phóng sinh đúng cách mang ý nghĩa công đức rất lớn.

Bởi vậy, thả cá chép thế nào cho đúng ý nghĩa tâm linh và đúng mục đích bảo vệ môi trường không phải ai cũng hiểu biết đầy đủ.

Nhiều người không phải thả cá mà đổ, ném, quăng cá hoặc ném luôn cả túi ni lông chứa cá xuống ao, hồ, gây ô nhiễm môi trường, mất đi nét đẹp vốn có của tục lệ này”.

Thượng tọa Thích Đức Thiện cũng đưa ra một số lưu ý khi phóng sinh cá:

- Công đức phóng sinh không phụ thuộc vào cá to hay nhỏ, nhiều hay ít, mà phụ thuộc vào tâm rộng mở của người phóng sinh.

- Khi thả cá, dùng tay từ từ nghiêng miệng túi nilon hoặc đồ đựng cá xuống nước, để cá tự bơi ra. Nếu không, ta đặt cá vào lòng bàn tay, thả nhẹ nhàng xuống nước. Thao tác nhẹ nhàng nhưng nhanh gọn.

-Tuyệt đối không đứng ở thành cầu hay các điểm trên cao ném cá xuống. Hành động đó rất xấu xí mà có khi cá thả xuống không thể sống được.

- Không phóng sinh cá ở những nơi môi trường bị ô nhiễm vì cá sẽ ít cơ hội để sống sót.

- Khi phóng sinh cần chọn nơi ít người câu cá để tránh lòng tham của những  người săn bắt.

- Sau khi thả cá nên lưu lại một chút xem cá đã bơi khuất đi chưa, tránh tình trạng cá mắc kẹt hoặc chưa kịp định hướng nên bơi ngược, bị xô dạt lại vào bờ.

 

Bình Nguyên (VNE)

Có thể bạn quan tâm