Tại La Phù (Hoài Đức, Hà Nội), gia đình được nhận nuôi "ông lợn" phải được xem xét gia phả kĩ lưỡng, làm ăn nề nếp, lối sống văn minh. Bên cạnh đó, quá trình chăm sóc “ông lợn” cũng rất đặc sắc, cầu kì.
Từ bao đời nay, vào ngày 13 tháng Giêng âm lịch hàng năm, dân làng La Phù lại nô nức tổ chức lễ rước “ông lợn”. Đây được coi là một nét đẹp văn hóa tâm linh độc đáo của người dân địa phương.
Lễ rước "ông lợn" ở La Phù. Ảnh: TA. |
Theo ông Nguyễn Công Tầm - Phó ban Khánh tiết đình làng La Phù, lễ rước “ông lợn” là dịp để dân làng tưởng nhớ công ơn của Tĩnh Quốc Tam Lang dưới thời Hùng Duệ Vương thứ 6 đã có công đánh giặc giữ vững bờ cõi. Tích xưa truyền lại rằng, mỗi khi Đức Thánh Tam Lang tập hợp quân sĩ đánh giặc, người dân thường thổi xôi, thịt lợn để khao quân.
Rước lợn lên đình làng là một tục lệ rất khác biệt và độc đáo ở làng La Phù. Ảnh: TA. |
Vị lạc tướng tài ba đã hóa vào lúc 0h đêm ngày 13, rạng sáng ngày 14 tháng Giêng. Từ đó, cứ đến ngày 13 tháng Giêng hàng năm, người dân xã La Phù lại tổ chức lễ hội rước lợn khao quân để tưởng nhớ ngày giỗ của Tam Lang Đại Vương.
Ông Tầm cho biết, để có một “ông lợn" to đẹp, dâng lên đức thánh, cả làng phải họp bàn để tìm ra cai đám (người được chọn nuôi lợn tế). Để trở thành cai đám, gia đình đó phải đăng ký từ những năm trước.
Ông Nguyễn Công Tầm - Phó ban Khánh tiết đình làng La Phù chia sẻ về lễ hội rước lợn tại địa phương. |
Gia đình được nhận nuôi “ông lợn” phải là gia đình hạnh phúc, có nếp có tẻ, sống văn minh và gia đình không có tang trong năm. Hơn 10 năm đều được giao trọng trách nuôi “ông lợn”, ông Nguyễn Phú Sơn - xóm Chiến Thắng cho biết, năm nay nhà ông nhận nuôi 6 "ông lợn" cho cả các xóm khác trong làng.
Theo ông Sơn, quá trình chăm sóc các “ông lợn” rất cầu kỳ. Ngay từ khâu chọn lợn giống, lợn phải cân đối vóc dáng, tướng mã đẹp, lợn trắng và có đuôi dài.
Bên cạnh đó, quá trình nuôi lợn, cai đám phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt từ việc cho ăn uống sạch sẽ, vệ sinh, tuyệt đối không được cho ông lợn ăn thức ăn thừa, ôi thiu.
Cám phải là loại cám gạo trộn lẫn với ngô xay, hoặc gạo nếp nấu chín thành cháo trắng. Các loại hoa quả như lê, táo, dưa, thanh long, mía,... khi dâng lên “ông lợn” cũng phải sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh. Hàng ngày “ông lợn” được rửa mặt, tắm rửa sạch sẽ, chuồng trại thoáng mát.
Đặc biệt, mùa hè, thời tiết nắng nóng, có khi phải lắp quạt cho "ông lợn". Đến tối lại buông màn, tránh muỗi, đảm bảo "ông lợn" có nước da trắng hồng, không có vết thâm sạm.
Vào thời điểm càng gần lễ hội, việc chăm sóc “ông lợn” càng cần cẩn thận hơn. Khoảng 3 tháng trước khi làm lễ tế, các gia đình cai đám thường chỉ cho "ông lợn" ăn cháo hoa và hoa quả. Những nhà cai đám thường tránh cho người ngoài đến gần “ông lợn”, bởi họ tin rằng, “vía dữ” có thể khiến "ông lợn" bỏ ăn, đau ốm.
Đến ngày lễ hội, sáng sớm ngày 13 tháng Giêng, cai đám của từng xóm sẽ đón lợn về nhà, sau đó làm mấy mâm cỗ để mời các cụ trong xóm cùng những người đến thịt lợn. Công việc mổ lợn, trang trí "ông lợn" rước phải thật công phu khéo léo, vì còn để sau khi tế lễ xong, các cụ sẽ chấm giải.
Sau khi mổ thịt, “ông lợn” được đặt yên vị trên kiệu và trang trí bằng những bông hoa từ giấy màu, tết hoa tươi thành vòng. Muốn có giải cao, lợn tế đẹp phải hết sức quan tâm đến “áo khoác” của "ông lợn" là miếng mỡ chài lấy ra từ bên trong khi mổ lợn.
Hoa Lê (LĐO)