Tết Việt

Bỏ Tết nguyên đán có dễ không?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thay vì hô hào bỏ Tết nguyên đán truyền thống lâu đời của người Việt Nam thì chúng ta hãy thay đổi cách ứng xử với Tết.
 

Vài năm trở lại đây, nhiều người đưa ra ý kiến nên bỏ tết nguyên đán truyền thống để gộp Tết ta vào Tết tây. Những người ủng hộ ý kiến này cho rằng, Tết nhất tốn kém, mất thời gian, ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng lao động.

Ở phía khác, người dân Việt Nam ở trong nước và nước ngoài đều muốn giữ Tết nguyên đán. Bởi đó là nét đặc trưng văn hóa truyền thống để phân biệt người Việt Nam với người Lào, Campuchia và một số nước châu Á khác.

 Tết nguyên đán đã ăn sâu trong tiềm thức người Việt.
Tết nguyên đán đã ăn sâu trong tiềm thức người Việt.



Nhiều năm qua, cứ dịp lễ tết là tình hình giao thông, an toàn giao thông, trật tự an ninh xã hội diễn biến phức tạp. Tết – số người chết vì tai nạn giao thông gia tăng. Tết – nhiều công việc bị đình trệ, thậm chí nhiều người bỏ nhiệm sở để đi du xuân, chơi tết, lễ lạt đầu năm. Tết cũng là dịp khiến nhiều loại tệ nạn xã hội gia tăng (cờ bạc, mại dâm, ma tuý…). Tết – mọi sinh hoạt đều bị đảo lộn, phải mất hàng tuần sau nghỉ Tết nhiều người mới lấy lại được guồng làm việc vốn có. Đó có lẽ là những mặt trái khiến người ta sợ Tết.

Nhưng nếu nói tết toàn những điều tiêu cực thì không đúng. Bởi nhiều doanh nghiệp, người làm kinh doanh làm cả năm chỉ trông chờ vào mấy ngày Tết. Bằng chứng là lượng hàng hoá, lương thực, thực phẩm phục vụ tiêu dùng ngày Tết luôn tăng ở mức cao. Các ngành thương mại, dịch vụ, vận tải cũng tăng trưởng mạnh trong dịp Tết. Đây là dịp để kích cầu tiêu dùng hiệu quả. Bởi, với nhiều người, nhiều gia đình có thể thiếu thốn quanh năm nhưng ngày Tết cũng cố gắng mua sắm cho con cái, gia đình bữa cơm tươm tất, trẻ con thì được quần áo mới, đi chơi… Cũng nhờ có Tết mà các mối quan hệ thân tình, bằng hữu trở nên thân thiết, gắn bó, đầm ấm hơn. Và hơn tất cả, với người Việt Nam, tết nguyên đán là dịp tri ân tổ tiên, nguồn cội, cha mẹ, họ hàng. Khó có thể cắt nghĩa được sự thiêng liêng của ngày Tết nguyên đán trong các gia đình người Việt. Bởi, không có một ngày nào trong năm có thể khiến hàng triệu con người vượt hàng ngàn cây số, đi vài chặng bay để về nhà chỉ cùng ăn với người thân, gia đình một bữa cơm trong năm mới.

Với nhiều người, Tết là dịp để trở về với gia đình, cha mẹ, đơn giản chỉ để tận hưởng không khí đầm ấm; chia sẻ những vất vả, thành công, vui buồn… trong một năm mưu sinh.

Chưa kể, trong thế giới hội nhập những phong tục, tập quán của người bản địa lại là nét thu hút du khách tới đắm mình trong không gian tết Việt.

Tết vốn là một truyền thống tốt đẹp của người dân Việt Nam nhưng theo thời gian việc đón tết đã có nhiều thay đổi, thậm chí là có những biến tướng, khiến cho nét đẹp văn hoá lại trở thành gánh nặng, sự phiền phức cho nhiều người. Đơn giản như tục lì xì cho con trẻ, là một nét đẹp, cũng khiến trẻ hào hứng đón Tết vì có tiền riêng tiết kiệm, để mua đồ dùng học tập. Nhưng sự tính toán của người lớn đã “lây” sang cả con trẻ. Nhiều cháu bé biết so đo người này  mừng tuổi ít, người kia mừng tuổi nhiều. Thời bao cấp và nhiều năm sau này nữa, tiền mừng tuổi trẻ con thường cất đi để mua đồ dùng học tập, sách vở… Theo cơ chế thị trường, nhiều người mừng tuổi con để bày tỏ lòng biết ơn cha mẹ chúng nên khoản tiền mừng rất hậu hĩnh. Con trẻ vì thế mà có tiền rủng rỉnh, xúng xính tiêu tết có khi hơn cả người lớn. Đó cũng chính là mầm mống sự hư hỏng của không ít con trẻ.

Thay vì hô hào bỏ Tết nguyên đán chúng ta hãy thay đổi cách ứng xử với Tết sao cho thật văn minh, văn hóa. Hãy phân minh giữa chuyện chơi và làm để dù có Tết hay không có Tết mọi công việc vẫn “chạy” êm ru. Và mọi người hãy biết dừng đúng lúc trong tất cả các cuộc vui để không xảy ra những chuyện buồn trong ngày Tết.

An Nhi/VOV.VN

Có thể bạn quan tâm