Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Lễ cúng trả thổ ở Cửu An

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Hàng năm, vào tháng 2 (âm lịch), nhiều đình, miếu trên địa bàn thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) tổ chức cúng tế thần linh cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, gọi chung là lễ cúng Quý Xuân.

Theo truyền thống, lễ cúng tế thần linh thường diễn ra từ đêm hôm trước đến sáng ngày hôm sau, các bô lão phải thức thâu đêm để hành lễ. Cũng vì thế, một số đình, miếu đã chuyển thời gian cúng vào ban ngày để đảm bảo sức khỏe cho thành viên ban nghi lễ và tạo thuận tiện cho người dân tham gia.

Đình Cửu An (xã Cửu An) tổ chức cúng Quý Xuân theo âm lịch, bắt đầu từ 18 giờ ngày 17-2 với lễ cúng Tiền nhân, đến 21 giờ là lễ cúng Thỉnh sanh, tiếp theo là lễ cúng Thần chính thức diễn ra lúc 0 giờ 10 phút ngày 18-2, cuối cùng là lễ cúng Thanh minh. Điều đặc biệt, năm nay, đình Cửu An còn tổ chức lễ cúng “trả thổ” (3 năm cúng 1 lần). Theo Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn (Bảo tàng tỉnh), đây là cách gọi khác của lễ cúng “tá thổ” (mượn đất) và tại Cửu An còn được người dân gọi là lễ “tạ thổ” (giỗ đất) để cảm ơn đất hoặc cảm ơn người cho mượn đất.

Vào thế kỷ XVII, khi người Việt vượt qua đèo An Khê đi khai hoang lập ấp, lập làng, thì đất này vốn đã có chủ. Nói là khai khẩn đất hoang nhưng thực ra, trước đó, người dân bản địa đã định cư lâu đời và mặc nhiên là chủ đất. Chủ đất ở đây không chỉ có nghĩa là “chủ sở hữu”, mà còn là người nắm giữ các tri thức dân gian về sự thích nghi của con người trong điều kiện sinh thổ của vùng đất mới. Các bậc tiền nhân người Việt rất khôn khéo khi thể hiện cách ứng xử văn hóa là xin “mượn đất”, “thuê đất” để định cư, lễ cúng mượn đất từ đó mà hình thành.

Quang cảnh lễ cúng trả thổ ở đình Cửu An. Ảnh: Nguyễn Anh Minh

Quang cảnh lễ cúng trả thổ ở đình Cửu An. Ảnh: Nguyễn Anh Minh

Theo các thành viên trong Ban Nghi lễ đình Cửu An, trước đây, lễ cúng trả thổ thường diễn ra ngoài đồng, dưới một gốc cây to, dân làng tự giác mang đồ lễ ra đó cúng. Sau này người dân tổ chức cúng tại đình cho thuận tiện. Lễ cúng trả thổ gồm có các phần: dâng hương, đọc chúc vị (văn tế) mời thần linh về hưởng lễ và chứng giám, từ biệt các thần linh. Lễ vật cúng trả thổ gồm đầy đủ các loại hoa, quả, xôi, chè, thịt heo, thịt gà, rượu, trà… được bày trên 3 bàn (bàn thượng) và 1 chiếu dưới đất (bàn hạ). Sau khi bày biện lễ vật, Hương lễ sẽ kiểm tra lại lần cuối cùng xem lễ vật đầy đủ chưa trước khi Chánh tế tiến hành cúng.

Văn cúng trả thổ thỉnh nhiều vị thần linh: Bổn xứ Thành hoàng, Thổ địa, Ngũ phương đạo lộ chi thần, Ngũ phương trụ trạch chi thần, Thượng trung hạ đẳng dương thần liệt vị, Hạ trung thượng đẳng âm thần liệt vị, Thượng sơn hà thủy chi thần, Thái tuế chí đức tôn thần, Hành khiến hành binh tôn thần… Tục truyền, Chúa Ngung man nương (với các tên gọi khác là Chủ Ngung man nương, Thiên Y A Na Diễn Ngọc phi, bà Chúa Tiên…) chính là hợp thân của nữ thần Mẹ xứ sở (Pônưga) trong tín ngưỡng của người Chăm và tục thờ Mẫu trong tín ngưỡng của người Việt. Đây là những câu chuyện mang tính huyền sử chúng ta không luận bàn, chỉ biết rằng, khi cha ông người Việt lên đây, vùng đất này đã có chủ đất. Vậy nên, chúng ta phải cúng tế để thể hiện lòng thành kính đối với các bậc tiền nhân đã có công khai khẩn tạo dựng đất đai để mình thừa hưởng.

Lễ cúng trả thổ của người dân Cửu An phản ánh mối quan hệ giữa tự nhiên với con người, giữa hiện tại và quá khứ, tưởng nhớ ghi nhận công lao của các bậc “Tiền hiền khai khẩn. Hậu hiền khai canh” đã khai sinh ra vùng đất này. Ngày nay, qua bao biến thiên lịch sử, đất đai của người dân giờ đã có “sổ đỏ”, tuy nhiên, lệ cúng đất vẫn còn được Nhân dân vùng Cửu An xem trọng, duy trì. Sau lễ cúng, người dân quây quần cùng nhau ngồi thụ lộc, chúc nhau những điều tốt đẹp, góp phần thắt chặt tình đoàn kết xóm làng.

Lễ cúng trả thổ ở vùng đất Cửu An là một phong tục đẹp thể hiện sự tri ân với tiền nhân, sự gắn bó, đoàn kết của dân làng, nên lễ tục này vẫn được Nhân dân duy trì 3 năm 1 lần trong nghi thức cúng đình. Một lễ tục mang giá trị văn hóa tâm linh kết hợp với phong tục đẹp, như lễ cúng trả thổ ở đình Cửu An cần được bảo tồn và phát huy, nhất là khi đình Cửu An đã được Nhà nước bổ sung danh mục vào Quần thể di tích quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo từ tháng 1-2022.

Có thể bạn quan tâm