Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch thắp hương tại lễ cúng Quý Xuân. Ảnh: Ngọc Minh |
Dự lễ có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch; lãnh đạo Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Bảo tàng tỉnh; lãnh đạo Thị ủy, UBND thị xã An Khê, các ban, ngành liên quan cùng đông đảo người dân An Khê.
Lễ cúng Quý Xuân được tiến hành theo nghi thức truyền thống do các thành viên Ban Nghi lễ đình An Khê thực hiện. Tại các nơi diễn ra cúng Quý Xuân, các đại biểu dâng hương bày tỏ lòng biết ơn đối với bậc tiền nhân đã có công khai khẩn đất đai, lập làng, lập xã; cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa vụ bội thu, nhà nhà ấm no, hạnh phúc.
Các thành viên Ban Nghi lễ đình An Khê cúng Quý Xuân theo nghi thức truyền thống. Ảnh: Ngọc Minh |
Theo phong tục, ngày 9-2 âm lịch, Ban Nghi lễ đình An Khê cùng các bô lão, đội nghênh long đình tiến hành nghinh sắc thần (sắc phong vua ban) từ An Khê trường vào An Khê đình. Tại An Khê đình, khoảng 1 giờ ngày 10-2 âm lịch, Ban Nghi lễ tiến hành tế lễ; dâng lễ vật, gồm: 1 con heo nguyên sinh (heo không luộc chín để nguyên con), trái cây, hoa, xôi chè… Giữa không gian linh thiêng, hòa cùng tiếng trống, tiếng chiêng vang vọng, các cụ thực hiện các bước cúng Quý Xuân cầu mong một năm bình yên, may mắn, đời sống người dân ấm no, hạnh phúc.
Sáng sớm 10-2 âm lịch, người dân tề tựu về An Khê đình dự lễ cúng Quý Xuân rồi theo đoàn nghinh sắc thần từ An Khê đình quay lại An Khê trường. Dẫn đầu đoàn nghinh sắc thần là vị trưởng lão cùng đội nghênh long đình, cầm cờ ngũ hành, binh khí trong trang phục binh lính thời xưa, đầu đội nón, oai phong tiến về phía trước. Kế đến là các chức sắc, người dân trong vùng theo sau. Về An Khê trường, sắc thần được nghinh đưa vào long đình, cất giữ cẩn thận.
Nghinh sắc thần từ An Khê trường về An Khê đình. Ảnh: Ngọc Minh |
Tại An Khê trường và nhà tiền nhơn-nơi thờ các vị tiền hiền, Ban nghi lễ đình An Khê tiếp tục tế lễ với các bước đọc văn tế thần, dâng hương, dâng đèn, trà, quả, cúng Quý Xuân giống như ở An Khê đình; thể hiện lòng tôn kính, biết ơn các vị thần linh và các bậc tiền nhân có công lao xây dựng làng xã, đồng thời thể hiện nếp sống văn hóa tín ngưỡng trong cộng đồng và thờ cúng ông bà của người Việt ở vùng đất An Khê.
Theo các cụ kể lại, trước đây, sắc phong vua ban (sắc thần) được gìn giữ, bảo quản tại đình An Lũy (An Khê đình). Đình được xây dựng trên gò đất cao, bao quanh bởi rừng già, cây cổ thụ. Khi đó, nhà cửa còn thưa thớt. Để giữ gìn sắc thần, người dân trong vùng cùng các cụ trong Ban Nghi lễ đình đóng góp công của, xây dựng nhà sắc gần khu dân cư, tiện bề bảo vệ. Sau đó, sắc thần được nghinh về bảo quản tại Nhà sắc và đổi tên là An Khê trường. Từ đó về sau, lễ cúng Quý Xuân tại Tổ đình diễn ra trong 2 ngày 9 và 10-2 âm lịch hàng năm.
Ngay sau lễ cúng Quý Xuân ở An Khê đình-An Khê trường, các vạn An Xuyên, An Tân, An Tập, An Phong, Miếu sở và các am, dinh trên địa bàn thị xã An Khê, huyện Đak Pơ cũng lần lượt cúng Quý Xuân.