Du lịch

Lễ hội dâu da đỏ An Khê thu hút hàng ngàn người tham dự

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng 1-9, Lễ hội dâu da đỏ Cửu An-Tây Sơn Nhị chính thức khai mạc tại Trường Tiểu học và THCS Đỗ Trạc (xã Cửu An, thị xã An Khê, Gia Lai). Đây là lễ hội lần đầu tiên xã Cửu An tổ chức với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn. Lễ hội đã thu hút hàng ngàn người dân và khách du lịch trong và ngoài tỉnh.
Khai hội nhộn nhịp, đông vui
Đến với Cửu An những ngày này, du khách dễ dàng cảm nhận được không khí nhộn nhịp, nô nức nơi đây. Từng dòng người tấp nập đổ về các vườn dâu da đỏ. Các tuyến đường từ trung tâm xã đến các điểm thăm quan, du lịch được treo băng rôn, khẩu hiệu, bảng chỉ dẫn, đâu đâu cũng rực rỡ sắc đỏ. Nhà nhà hai bên đường treo cờ đỏ sao vàng, trang hoàng nhà cửa, chăm chút những luống vườn hoa, cây cảnh trước nhà.
Tưng bừng lễ hội dâu da đỏ ở xã Cửu An, thị xã An Khê. Ảnh: Ngọc Minh
Tưng bừng lễ hội dâu da đỏ ở xã Cửu An, thị xã An Khê. Ảnh: Ngọc Minh
Từ sáng sớm đông đảo nhân dân trong vùng cùng khách thập phương đã tập trung tại Trường Tiểu học và THCS Đỗ Trạc dự lễ khai mạc. Không ai bảo ai, mỗi người tự tìm cho mình chỗ ngồi thích hợp để có thể xem, thưởng thức trọn vẹn chương trình văn nghệ. Lúi húi kê ghế cho con trai ngồi phía trước, còn mình đứng phía sau, chị Hoàng Thị Thanh Mai (phường An Bình, thị xã An Khê) cho hay: “Tôi sợ đông người, đứng phía sau con không xem được mau chán, nên mượn chiếc ghế cho con ngồi phía trước, gần bạn đồng lứa. Tôi thấy ai cũng làm vậy, ưu tiên người già, trẻ nhỏ”.   
Mở đầu khai hội là tiếng trồng rộn ràng, không khí tưng bừng náo nhiệt. Dứt tiếng trống du khách mãn nhãn với màn múa lân sư rồng đặc sắc, cầu mong may mắn, bình an, thịnh vượng. Không gian lễ hội trở nên náo nhiệt hơn, thu hút sự chú ý của mọi người bởi tiết mục trình diễn cồng chiêng, múa xoang của đoàn cồng chiêng “nhí”đến từ làng Pơ Nang (xã Tú An) và những màn biểu diễn võ cổ truyền bắt mắt của các võ sinh đến từ các câu lạc bộ võ thuật, võ đường trên địa bàn thị xã An Khê. 
Vườn dâu da đỏ tấp nập người vào thăm quan, dạo chơi. Ảnh: Ngọc Minh
Vườn dâu da đỏ tấp nập người vào tham quan, dạo chơi. Ảnh: Ngọc Minh
Bà Ngô Thị Bình (TP. Quy Nhơn, Bình Định) tấm tắc: “Các tiết mục văn nghệ được dàn dựng công phu, đa dạng hình thức, đem lại cảm rác thỏa mái, hứng khởi. Thông qua, những tiết mục này tôi hiểu thêm về lịch sử-văn hóa, con người An Khê. Sau đây chúng tôi đi mua sắm, thưởng thức món ăn tại phiên chợ và thăm quan các vườn dâu da đỏ”-bà Bình nói. 
Phiên chợ, vườn dâu thu hút hàng ngàn người 
Bị ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, nên khu vực thị xã An Khê nhiều mây, song không mưa, nắng nhẹ, gió mát. Đây là điều kiện lý tưởng để người dân và khách thập phương tham dự phiên chợ quê và dạo chơi, thưởng ngoạn tại các vườn dâu da đỏ.  
Phiên chợ quê thu hút đông đảo người dân và khách du lịch. Ảnh: Ngọc Minh
Phiên chợ quê thu hút đông đảo người dân và khách du lịch. Ảnh: Ngọc Minh
Phiên chợ quê diễn ra trong khuôn viên Nhà văn hóa thôn An Điền Bắc, với 11 gian hàng của người dân, hợp tác xã trên địa bàn thị xã An Khê. Các gian hàng trưng bày giới thiệu và bán các sản phẩm của địa phương gồm: trái cây, trứng vịt chạy đồng, gạo, đồ lưu niệm, bún phơi khô, rượu nếp, bánh tráng…; hợp tác Nông nghiệp Tú An 1 (xã Tú An) bày bán hàng thổ cẩm, rượu cần, trà dược liệu, nấm, măng tây; hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp An Bình (phường An Bình) giới thiệu, quảng bá các loại rau củ quả sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra, một số quầy hàng bán đồ ăn, thức uống, tạo không khí đậm nét chợ quê, thu hút đông đảo nhân dân và du khách.
 Tham gia phiên chợ người dân mua các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng. Ảnh: Ngọc Minh
Tham gia phiên chợ người dân mua các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng. Ảnh: Ngọc Minh
Vốn là điểm chính trong lễ hội, nên các vườn dâu da đỏ tấp nập người ra vào vui chơi, thưởng ngoạn. Chị Trần Thị Thanh Nhị (TP. Pleiku) chia sẻ: Nhân ngày nghỉ lễ 2-9, tôi cho các con về tham dự Lễ hội dâu da đỏ tại xã Cửu An. Tuy là lần đầu xã tổ chức nhưng rất đông đúc người đến tham dự. Hy vọng, năm sau xã tiếp tục tổ chức để người dân có nơi vui chơi, ý nghĩa; có nhiều vườn dâu đẹp phục vụ khách du lịch.
Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn (Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ TP.Hồ Chí Minh)-cho biết: “Nhân chuyến công tác tại thị xã An Khê, tôi về dự Lễ hội dâu da đỏ tại xã Cửu An. Tôi khá ngạc nhiên vì lễ hội cấp xã nhưng thu hút hàng ngàn người. Công tác tổ chức chu đáo. Nếu xã Cửu An biết cách kết hợp, khai thác thế mạnh từ vườn dâu da đỏ và các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn, thì xã có thể là điểm đến lý tưởng cho khách du lịch mỗi khi về An Khê”.
Trao đổi với PV, ông Lưu Trung Dũng-Chủ tịch UBND xã Cửu An-cho biết: “Ngày đầu tiên trong tuần lễ hội dâu da đỏ đã có khoảng 1.000 người dân và khách du lịch tham dự. Lễ hội dâu da đỏ Cửu An-Tây Sơn Nhị diễn ra từ ngày 1 đến ngày 7-9-2019, nhằm quảng bá các sản phẩm nông nghiệp, giới thiệu hình ảnh, văn hóa, lịch sử và con người Cửu An đến với du khách gần xa, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, từng bước cùng thị xã An Khê, phát triển các loại hình du lịch sinh thái, cộng đồng, văn hóa địa phương”.
NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm