(GLO)- Trong vài năm học gần đây, lễ khai giảng ít nhiều có đổi mới nhưng vẫn còn nặng nề, vẫn theo trình tự học trước khai giảng sau. Năm học mới 2020-2021 sẽ được đánh dấu bằng một buổi lễ khai giảng thực sự đúng nghĩa cho học sinh. Theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), UBND tỉnh Gia Lai, Sở GD-ĐT yêu cầu tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đồng loạt khai giảng vào lúc 7 giờ 30 phút ngày 5-9. Lễ khai giảng phải diễn ra theo tinh thần ngắn gọn, ý nghĩa.
Những năm học trước, chương trình khai giảng khá dài, luôn có 2 phần là “lễ” và “hội” nên học sinh, nhất là ở bậc tiểu học phải tập dượt vất vả. Năm nay, lễ khai giảng diễn ra không quá 60 phút, tập trung vào những nội dung chủ yếu như: đón học sinh đầu cấp học, chào cờ, hát Quốc ca, đọc thư của Chủ tịch nước, thư của Chủ tịch UBND tỉnh, diễn văn khai giảng (cũng phải ngắn gọn, tối đa 15 phút) và không đọc báo cáo về tình hình hoạt động của nhà trường...
Điều này đúng với nghĩa của từ “khai giảng”: khởi đầu cho một năm học mới. Những năm trước, nhà trường tiến hành hoạt động dạy và học một thời gian rồi mới khai giảng, vô tình làm mất đi sự hứng thú của học sinh trong ngày đó. Nhiều em không quan tâm, thậm chí cho rằng tổ chức khai giảng như thế là không còn ý nghĩa gì cả. Vì vậy, buổi lễ khai giảng trở nên gượng ép, mang tính thủ tục!
Năm nay, khai giảng rồi mới học, có thể nói, Bộ GD-ĐT đã trả lại ngày khai giảng đúng nghĩa cho học sinh và giáo viên. Nhưng như thế vẫn chưa đủ, để lễ khai giảng thực sự có ý nghĩa cần phải xác định rõ học sinh là nhân tố trung tâm của buổi lễ. Không phải đại biểu, không phải thầy-cô giáo mà chính là các em học sinh. Các em tham gia buổi khai giảng như tham gia một hoạt động trải nghiệm của nhà trường. Có như thế, cảm xúc ngày khai giảng mới đọng lại sâu sắc trong tâm hồn các em, từ trẻ mầm non đến học sinh phổ thông. Đó là cảm xúc thực, tự nhiên, mang tính nhân văn sâu sắc của học đường.
Riêng đối với bậc học mầm non, càng phải làm nổi bật tính chất: khai giảng là “Ngày hội đến trường của bé”. Cần linh hoạt, sáng tạo về thời lượng, nội dung phù hợp đặc điểm tâm sinh lý của trẻ nhằm tạo ấn tượng tốt nhất cho trẻ trong ngày đầu tiên đến trường.
Ảnh minh họa: Trần Dung |
Đặc biệt, lễ khai giảng năm nay diễn ra trong tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Để học sinh “an toàn và an tâm” đến trường, UBND tỉnh chỉ đạo tất cả cơ sở giáo dục trên địa bàn tiến hành vệ sinh toàn bộ phòng học, khuôn viên và xung quanh trường học đảm bảo an toàn, sạch sẽ trước ngày tựu trường và khai giảng năm học mới.
Bên cạnh những lẵng hoa tươi đẹp, các đơn vị trường học còn chuẩn bị nơi rửa tay, nước sạch, nước sát khuẩn, máy đo thân nhiệt, khẩu trang dự phòng... Trên gương mặt vui tươi của học sinh phải có chiếc khẩu trang đeo đúng cách; những hành động hồn nhiên của các em tuân thủ các biện pháp phòng-chống dịch theo quy định. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng-chống dịch. Nếu thấy con em mình có các triệu chứng ho, sốt, tức ngực thì cần báo ngay với cơ sở y tế và không đưa đến trường.
Trong bối cảnh đó, lãnh đạo các trường, thầy-cô giáo cùng phối hợp với các đoàn thể để tổ chức lễ khai giảng vừa bảo đảm an toàn phòng-chống dịch vừa tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho học sinh, chú trọng tạo ra cảm xúc tích cực đối với các em. Nếu quá trình giáo dục góp phần quan trọng phát triển phẩm cách tốt đẹp cho học sinh thì buổi lễ khai giảng thành công sẽ tạo được sự khởi đầu đầy hứng thú. Điều đó sẽ có lợi cho công tác giáo dục hôm nay và mai sau.
PHAN VĂN THIÊN