TN - Đất & Người

Lễ Kỷ niệm 110 năm Ngày thành lập tỉnh Kon Tum

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngày 9-2, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Kon Tum long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm 110 năm Ngày thành lập tỉnh Kon Tum (09/02/1913 - 09/02/2023) và công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Kon Tum là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Kon Tum.

Dự buổi lễ có các đồng chí Võ Văn Thưởng-Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Hòa Bình-Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố cùng dự.

Phát biểu tại buổi Lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Võ Văn Thưởng ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực và những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum đã đạt được trong suốt chặng đường hình thành, xây dựng và phát triển. Minh chứng rõ ràng nhất là bản làng nông thôn, miền núi đến phố phường thành thị, diện mạo Kon Tum đang từng ngày đổi thay, tươi đẹp hơn xưa, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo nên sức sống mới, khí thế mới. Để có được những thành tựu to lớn ấy là sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng của Đảng bộ và nhiều thế hệ đồng chí, đồng bào các dân tộc trong tỉnh; là sự quan tâm, giúp đỡ to lớn của Trung ương và đồng bào cả nước.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Kon Tum là Đô thị loại II trực thuộc tỉnh Kon Tum. Ảnh: Khoa Chương - TTXVN

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đề nghị, thời gian tới các cấp ủy, tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên và đồng bào các dân tộc trong tỉnh cần nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí, tiềm năng, lợi thế, cùng những khó khăn, thách thức của tỉnh Kon Tum; rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng của tỉnh để trở thành sức mạnh, hành động cụ thể trong việc xây dựng quê hương Kon Tum phát triển nhanh, bền vững và tươi đẹp hơn.

Đồng chí đề nghị tỉnh Kon Tum tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển hợp lý cả chiều rộng và chiều sâu, để phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, nhất là du lịch xanh, công nghiệp chế biến nông sản. Đặc biệt, đánh thức tiềm năng giá trị của cây sâm Ngọc Linh, xây dựng thành vùng trồng, chế biến dược liệu tập trung của quốc gia.

Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum phải thực sự quan tâm, hành động mạnh mẽ hơn nữa trong trồng và bảo vệ rừng, kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi phá rừng, phải bảo vệ, gìn giữ thật tốt “chiếc áo màu xanh” của đại ngàn Tây Nguyên. Chăm lo bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, di sản văn hóa các dân tộc, gắn với phát triển du lịch; tập trung tuyên truyền, vận động đồng bào xóa bỏ các phong tục lạc hậu, không phù hợp. Bên cạnh đó, công tác phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cần được chú trọng đầu tư, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn.

Với vị trí xung yếu về quốc phòng, an ninh, “phên dậu quốc gia”, Kon Tum phải quan tâm củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, an ninh nông thôn, an ninh tôn giáo, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn; xây dựng tuyến biên giới hữu nghị, hợp tác, ổn định và phát triển, phấn đấu để Kon Tum sớm thành trung tâm giao thương, kết nối, hội tụ và lan tỏa của Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.

Tại buổi Lễ, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang đã đọc diễn văn ôn lại quá trình hình thành, xây dựng, phát triển và lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum.

Kon Tum (theo tiếng Ba Na có nghĩa là Làng Hồ), mảnh đất ở phía Bắc Tây Nguyên từ xa xưa đã có con người cư trú với bằng chứng tiêu biểu là Di chỉ khảo cổ học Lung Leng thuộc hậu kỳ đồ đá cũ. Con người đã tồn tại và phát triển trên vùng đất giàu tài nguyên, từ đời này qua đời khác, trải qua vô vàn biến động, thử thách. Trong đó, phải kể đến sự hiện diện từ rất sớm của các dân tộc tại chỗ như: Ba Na, Xê Đăng, Gia Rai, Giẻ-Triêng, B’râu, Rơ Mâm.

Với vị thế là một địa bàn có vị trí chiến lược hết sức quan trọng ở Bắc Tây Nguyên, ngay sau khi đô hộ Việt Nam, thực dân Pháp đã thiết lập bộ máy thống trị tại Kon Tum. Ngày 9/2/1913, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập đơn vị hành chính tỉnh Kon Tum, bao gồm một vùng đất đai rộng lớn ở khu vực Bắc Tây Nguyên nhằm tăng cường cai trị và khai thác tài nguyên tại vùng đất này.

Trải qua 2 cuộc kháng chiến, quân và dân các dân tộc tỉnh Kon Tum dưới sự lãnh đạo của Đảng đã anh dũng đấu tranh góp phần làm thất bại các cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Từ chiến thắng Măng Đen, Măng Bút, Kon Praih tháng 1/1954 đến đồng khởi với nổi dậy ở Tà Bót tháng 9/1960, rồi chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh mùa hè 1972 và chiến thắng 16/3/1975 lịch sử giải phóng hoàn toàn tỉnh Kon Tum, góp phần vào Đại thắng Mùa Xuân năm 1975, thống nhất nước nhà.

Qua quá trình chia tách, điều chỉnh địa giới hành chính, đến nay tỉnh Kon Tum có 10 đơn vị hành chính cấp huyện với dân số gần 590.000 người, với sự phát triển không ngừng trên các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh luôn duy trì mức tăng trưởng khá. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được chú trọng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 10,86%; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên.

Tại buổi Lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Kon Tum là Đô thị loại II trực thuộc tỉnh Kon Tum. Dịp này, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đông đảo cán bộ, quần chúng nhân dân tỉnh Kon Tum đã thưởng thức pháo hoa, Chương trình nghệ thuật “Đi về phía mặt trời” chào mừng Kỷ niệm 110 năm Ngày thành lập tỉnh.

Có thể bạn quan tâm