(GLO)- Sau hơn 3 năm khởi nghiệp với nghề trồng nấm, anh Lê Tấn Đạt (SN 1987, số 56 đường Lê Quang Định, phường Yên Thế, TP. Pleiku, Gia Lai) đã trở thành ông chủ của 2 trại nấm có tổng diện tích 400 m2 cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng/tháng.
Dẫn tôi đi một vòng thăm 2 trại nấm của mình, anh Đạt cho biết, 2 trại nấm của anh hiện có khoảng 40 ngàn bịch nấm, chủ yếu là nấm bào ngư. Đây là loại nấm có mẫu mã đẹp, hàm lượng dinh dưỡng cao, được người tiêu dùng ưa thích.
Anh Lê Tấn Đạt. Ảnh: H.Đ.T |
Ngồi trò chuyện, Đạt kể, sau khi tốt nghiệp THPT, anh thi vào Khoa Cơ khí (Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn). Sau khi tốt nghiệp, Đạt xin vào làm ở các công ty chuyên về cơ khí tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh trước khi dừng chân ở một công ty chuyên sản xuất các thiết bị phục vụ khai thác dầu khí có trụ sở tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Đang ổn định công việc với mức lương hàng tháng khoảng 12 triệu đồng thì Đạt nghe tin mẹ ốm nặng. Do gia đình neo người, Đạt đành xin nghỉ việc để trở về Gia Lai chăm sóc mẹ và tìm công việc mới.
Trở về nhà nhưng suốt một thời gian dài không tìm được công việc phù hợp, Đạt quyết định bắt tay vào kinh doanh hoa lan. Hơn 10 tháng vất vả với việc kinh doanh nhưng do thiếu kinh nghiệm, anh không những không có lời mà còn lỗ vốn hơn 60 triệu đồng. Không nản lòng với thất bại và xem đó như một bài học kinh nghiệm, Đạt quyết tâm tìm hướng đi khác. Đêm đêm, anh lên mạng internet tìm hiểu các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, phù hợp với điều kiện và khí hậu Gia Lai. Cuối cùng, anh thấy việc trồng nấm là hiệu quả và phù hợp nhất với mình. Bởi lẽ, nấm dễ trồng, nhanh thu hoạch, nhu cầu thị trường cũng cao.
Kinh nghiệm khởi nghiệp của Lê Tấn Đạt:
* Dám thay đổi hướng đi.
* Coi thất bại như một bài học kinh nghiệp quý báu.
* Quyết tâm theo đuổi đến cùng công việc đã lựa chọn.
|
Sau khi xác định được hướng đi, ngoài việc tiếp tục lên mạng tìm hiểu kỹ thuật trồng, chăm sóc nấm, anh còn tìm đến các trại nấm để học hỏi thêm kinh nghiệm thực tế. Thế nhưng, điều Đạt không ngờ tới là gia đình lại không đồng ý với hướng đi này của anh. Lý lẽ mọi người đưa ra là vì anh học ngành cơ khí, không liên quan đến lĩnh vực trồng nấm. Song với quyết tâm và niềm tin vào hướng đi của mình, Đạt đã thuyết phục được gia đình hỗ trợ vốn, rồi vay mượn thêm bạn bè, người thân để đầu tư làm trại nấm với tổng chi phí hơn 200 triệu đồng. Bước đầu, anh trồng thử 2 ngàn bịch nấm. Đợt thu hoạch đầu tiên, Đạt phải tự mang nấm ra chợ bán và nhờ bạn bè bán giúp. Sau đó, anh quyết định mở rộng sản xuất. Sẵn có tay nghề cơ khí, anh tự mua sắt về làm các giá đỡ. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm và mở rộng dần diện tích, từ 2 ngàn bì nấm ban đầu, đến nay, Đạt đã có 2 trại nấm với tổng diện tích 400 m2, thường xuyên trồng 40 ngàn bịch nấm.
Hiện nay, anh chủ yếu trồng nấm bào ngư. Bình quân mỗi ngày anh thu 30-40 kg nấm, bán với giá khoảng 30.000 đồng/kg. Đạt cho biết: Trồng nấm không khó nhưng đòi hỏi sự kiên trì. Nguyên liệu là mùn cưa cây cao su đem trộn với vôi và tạo độ ẩm 60-70%. Lò hấp phôi nấm phải được khử trùng và đảm bảo nhiệt độ 100 độ C trong vòng 12 tiếng đồng hồ. Khu cấy mô phải đảm bảo đạt chuẩn với yêu cầu kín gió và có thiết bị để tiêu diệt bào tử nấm dại. Khu ủ tơ và nuôi trồng phải thông thoáng, nhiệt độ trong trại luôn giữ mức 25-30 độ C. Thời gian thu hoạch nấm bào ngư từ 4 đến 6 tháng, nấm mèo và nấm sò là 3 tháng. Cũng theo anh Đạt, để trồng nấm bào ngư đạt hiệu quả cao, khâu chọn phôi nấm là quan trọng nhất. Phôi nấm phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo không bị nhiễm bệnh và có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt. Trước khi đưa phôi nấm vào trồng, phải vệ sinh trại nấm bằng vôi bột để hạn chế bệnh trong quá trình chăm sóc. Hiện nay, bên cạnh trồng nấm thành phẩm, Đạt còn sản xuất phôi nấm để bán. Đạt cho biết thêm, thời gian đến, anh sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích trồng nấm vì nhu cầu tiêu thụ nấm bào ngư hiện rất cao nhưng nguồn cung còn hạn chế.
Hà Đức Thành