Lễ thổi tai của người Bahnar. Ảnh: Ngọc Thành |
Theo quan niệm của đồng bào dân tộc Jrai, Bahnar ở Gia Lai thì trí tuệ con người nằm ở lỗ tai. Mỗi con người khi mới chào đời đều phải làm lễ thổi tai để được truyền trí khôn làm người lúc sống và khi chết “bà mụ vú dài” khỏi nhầm với loài khỉ, vẹt không cho về sống ở “làng ma”. Bởi tầm quan trọng của sự “chứng nhận” này mà khi một đứa trẻ ra đời, nếu là nhà giàu thì phải trong vòng một vài tuần; nhà nghèo thì một vài tháng phải tiến hành lễ thổi tai. Trong trường hợp đứa trẻ sinh ra nếu thấy khả năng chết yểu, người mẹ phải lập tức mời bà mụ đến làm lễ. Nếu đứa bé chết ngay lúc sinh, không kịp mời bà mụ thì người mẹ phải tự mình làm lễ. Trường hợp bất khả kháng, không thể làm lễ thổi tai thì đứa trẻ không được hưởng các nghi thức tang ma bình thường. Chúng sẽ bị gói vào tấm đồ rách đem chôn một nơi cách xa nhà mả của làng; cha mẹ không được hờ khóc, không được “nuôi mả” bằng cơm thịt hàng ngày và dĩ nhiên cũng không được làm lễ bỏ mả. Có chăng đứa trẻ chỉ được người mẹ nặn cho một ít giọt sữa trên mồ để an ủi linh hồn vì không may phải làm “ma xấu”.
Là lễ nghi quan trọng trong vòng đời của một con người nhưng “thổi tai” không phải bày biện cầu kỳ. Nếu là nhà nghèo, chỉ cần con gà và ghè rượu cũng xong. Chủ lễ thường không phải thầy cúng mà là bà mụ. Sau khi bày biện lễ vật, bà mụ vừa thổi vào tai đứa trẻ vừa đọc lời khấn đại ý: Ngày nay, mày đã được làm lễ thổi tai, trí khôn cho mày được làm người; mai này mày biết làm rẫy giỏi, đi săn tài; nhà mày sẽ có lúa chất đầy kho, có xương thú treo đầy bếp. Bà mụ lễ xong, người mẹ sẽ cho đứa bé ăn gan và óc con vật (tượng trưng cho trí khôn và lòng can đảm). Dăm ngày sau lễ thổi tai, bà mẹ sẽ bế đứa trẻ đi chơi nhà họ hàng để nhận quà. “Quà” cho bé thường là lưỡi cuốc, chuỗi hạt cườm hay nắm bông… mang ý nghĩa tượng trưng là chính.
Cũng nói thêm là người Jrai, Bahnar có tục xỏ lỗ tai cho đứa trẻ sau khi chào đời và khi lớn thì căng lỗ tai cho rộng cũng bởi quan niệm này… Ngày nay, những biến đổi trong đời sống có làm một số lễ nghi về vòng đời người mất đi, song lễ thổi tai thì vẫn được các bà mẹ tuân thủ, giống như lễ đầy tháng cho trẻ của người Kinh. Hơn thế, với những gia đình kinh tế khá, lễ thổi tai còn được tiến hành rất “hoành tráng”. Điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu. Dù sống trong bối cảnh xã hội nào thì những lễ nghi gắn với niềm tin tâm linh của con người cũng không dễ mất.