Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Liên hoan diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn-Tây Nguyên: Ngày hội văn hóa đặc sắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau 3 ngày giao lưu, thi tài và dã ngoại trải nghiệm (từ 16 đến 18-3), lễ bế mạc Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn-Tây Nguyên lần thứ III-năm 2022 đã diễn ra vào tối 19-3 tại Quảng trường trung tâm huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum).

Với chủ đề “Trường Sơn Tây Nguyên-Đoàn kết, bản sắc và phát triển”, Liên hoan do chủ nhà Kon Tum cùng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) phối hợp tổ chức đã thu hút 19 đoàn nghệ nhân các dân tộc trong khu vực và đại diện một số dân tộc anh em trên toàn quốc, gồm các đoàn: An Giang, Bắc Ninh, Đak Lak, Đak Nông, Đồng Nai, Gia Lai, Hà Nam, Hải Dương, Kon Tum, Lâm Đồng, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thanh Hóa, Thừa Thiên-Huế, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc và TP. Hồ Chí Minh. Hơn 600 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên về tham dự Liên hoan trong thời điểm cả nước bắt đầu bước vào trạng thái bình thường mới, các hoạt động du lịch được khôi phục sau 2 năm gián đoạn do dịch Covid-19.

 Phần biểu diễn của các nghệ nhân, diễn viên tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hồng Thắm
Phần biểu diễn của các nghệ nhân, diễn viên tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hồng Thắm


Trong 3 ngày diễn ra Liên hoan, thời tiết dịu mát, ôn hòa của thị trấn Măng Đen-được ví như “Đà Lạt thứ 2”-đã ủng hộ các đoàn trong tất cả các hoạt động như: Diễn xướng dân ca, dân vũ các dân tộc; trình diễn các tích, trò trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, lễ hội; diễn tấu cồng chiêng Tây Nguyên hoặc nhạc cụ dân tộc truyền thống (độc tấu, song tấu, tam tấu, hòa tấu); trình diễn trang phục truyền thống (nguyên bản không cách điệu). Không chỉ hấp dẫn ở sự đa dạng văn hóa vùng miền, Liên hoan cũng không kém phần sôi nổi với hội thi “Trai tài-Gái đảm”, trong đó nam thi bắn nỏ, kéo co, vật tay, nữ thi nấu ăn và trình bày mâm cỗ cổ truyền.

Hòa vào sắc màu văn hóa của sự kiện, hơn 50 nghệ nhân, diễn viên, vận động viên của đoàn Gia Lai cũng nhiệt tình góp mặt. Trước ngày lên đường, dù bất đắc dĩ phải thay đổi nhân sự và gấp rút tập luyện do phát hiện đến 10 người trong danh sách bị mắc Covid-19, cả đoàn vẫn nỗ lực tham gia các nội dung trong chương trình. Phần thi diễn xướng dân ca, dân vũ của đoàn Gia Lai đã thu hút sự chú ý của đông đảo khán giả với bài múa “Vui nhà mới”; bên cạnh đó là 2 bài dân ca Jrai “Làng ta tươi đẹp” và “Tơ lơi Nhik”. Các nghệ nhân cũng diễn tấu thành công phần thi cồng chiêng và các nhạc cụ dân tộc bằng bài chiêng “Pơ thi” (bỏ mả)-điểm nhấn đặc sắc của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Trong phần thi trình diễn trang phục truyền thống, những bộ trang phục thổ cẩm nam-nữ Bahnar, Jrai nguyên bản đã góp phần khắc họa bản sắc văn hóa đặc trưng của 2 cộng đồng dân tộc thiểu số đông đảo nhất tỉnh Gia Lai.

Tham gia diễn xướng dân ca và biểu diễn trang phục truyền thống, ca sĩ Siu H’Blup (Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San) cho hay, ấn tượng lớn nhất của chị về Liên hoan là sự mộc mạc của phong cách biểu diễn và sự phong phú đến ngỡ ngàng về văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn-Tây Nguyên. Còn nghệ nhân Rơchăm Thuân (xã Ia Ka, huyện Chư Păh) bày tỏ nỗi tiếc nuối bởi sự thiếu khuyết về nhân sự khiến phần diễn tấu cồng chiêng chưa được như mong muốn. “Dù thế, tôi và 13 nghệ nhân của xã cũng rất vui khi được tham gia Liên hoan này. Tôi thích nhất là phần biểu diễn của đoàn nghệ nhân cồng chiêng tỉnh Kon Tum. Đây đều là các nghệ nhân trong độ tuổi thanh-thiếu niên, khỏe khoắn, xinh đẹp, rất thu hút”-anh nhận xét.

Với hội thi “Trai tài-Gái đảm”, nam vận động viên các đoàn còn có dịp so tài trong các môn thể thao, trò chơi dân gian như bắn nỏ, kéo co, vật tay…, tạo không khí hết sức sôi nổi, vui tươi. Trong khi đó, các nữ nghệ nhân có dịp thể hiện sự đảm đang khi tham gia thi nấu ăn và trình bày mâm cỗ cổ truyền. Hàng trăm món ăn truyền thống với hương vị độc đáo riêng có của các đoàn đã làm nên bữa đại tiệc ngon mắt, ngon miệng, hấp dẫn. Chị Ksor Jưn-con gái của ông chủ quán ẩm thực nghệ nhân Ksor Hnao (phường Đống Đa, TP. Pleiku)-đã cùng 2 cộng sự trổ tài chuẩn bị mâm cỗ cổ truyền của đồng bào Jrai với 6 món đặc trưng trong vòng 90 phút, gồm: cơm lam-gà nướng; heo nướng trộn ngò gai; bò nướng bóp mật bò; ếch đùm lá chuối; lá mì xào cà đắng, bông đu đủ đực; đọt chuối trộn kiến chua, thịt nướng. Tuy văn hóa ẩm thực của các dân tộc anh em trong khu vực có nhiều sự tương đồng nhưng chị Jưn vẫn tự tin cho biết: “Có thể thực đơn của các đoàn sẽ có những món khá giống nhau nhưng chất lượng món ăn phụ thuộc vào cách chọn nguyên liệu, gia giảm các gia vị. Như vậy sẽ bật lên hương vị riêng, không có món nào hoàn toàn giống nhau được”.

 Các nữ nghệ nhân đoàn Gia Lai trổ tài với phần thi Trai tài, gái đảm. Ảnh: Phạm Ngọc Sơn
Các nữ nghệ nhân đoàn Gia Lai trổ tài với phần thi "Trai tài, gái đảm". Ảnh: Phạm Ngọc Sơn

Một phần nội dung khác của Liên hoan là hoạt động tham quan, trải nghiệm các điểm du lịch tại Măng Đen như: Hồ Đak Ke, thác Pa Sỹ, Làng du lịch cộng đồng Kon Pring, Tượng Đức Mẹ Măng Đen, chùa Khánh Lâm, lòng hồ Thủy điện Thượng Kon Tum, Ê Ban Farm cũng đã góp phần thúc đẩy sự giao lưu, gắn kết giữa nghệ nhân các đoàn, đồng thời quảng bá du lịch địa phương.


Với nhiều hoạt động lý thú kể trên cùng những ấn tượng sâu sắc, Liên hoan khép lại bằng Đêm hội Đại đoàn kết diễn ra vào tối 19-3. Tuy nhiên, Liên hoan cũng đã mở ra những hy vọng về việc chung tay bảo tồn, truyền dạy và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể, phong tục tập quán, lễ hội truyền thống, dân ca, dân vũ, trang phục, ẩm thực… của cộng đồng các dân tộc khu vực Trường Sơn-Tây Nguyên và đại diện một số dân tộc anh em trên toàn quốc. Sự kiện cũng đồng thời khẳng định niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.  
 

LAM NGUYÊN 

 

Có thể bạn quan tâm