Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Liên hoan văn nghệ ngành Giáo dục và Đào tạo Gia Lai: Ấn tượng và lan tỏa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Gần 1 tháng qua, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã phối hợp với Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh tổ chức nhiều hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 37 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Trong đó, Liên hoan văn nghệ ngành GD-ĐT được xem là sân chơi ý nghĩa dành cho giáo viên toàn tỉnh Gia Lai nhân mùa hiến chương năm nay.
Diễn ra trong 2 ngày (13 và 14-11), sân khấu Liên hoan văn nghệ ngành GD-ĐT đã chào đón đông đảo các diễn viên, nghệ sĩ không chuyên là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đến từ 64 đơn vị trường THPT, cao đẳng, đại học và Phòng GD-ĐT các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Các đơn vị cùng tham gia tranh tài với 80 tiết mục đặc sắc ở các thể loại: đơn ca, song ca, tam ca, tốp ca và múa.
Có thể nói, liên hoan lần này đã đem lại cho người xem nhiều xúc cảm qua những lời ca, điệu múa ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu; ca ngợi quê hương, đất nước và truyền thống vẻ vang của người giáo viên nhân dân, của Công đoàn Việt Nam… Thông qua liên hoan, các thầy-cô giáo đã chứng minh mình không chỉ giỏi chuyên môn, vững tay nghề mà còn rất đam mê và tài năng trong ca múa. Nhiều tiết mục được biên đạo, dàn dựng hết sức công phu, đầu tư hoành tráng về trang phục cũng như đạo cụ. Hội trường 2-9 (TP. Pleiku)-nơi diễn ra liên hoan-liên tục vỡ òa trong tiếng hò reo, cổ vũ của khán giả.
Thầy giáo Ksor Kốp (đơn vị Phòng GD-ĐT huyện Kông Chro) tự tin biểu diễn tiết mục đơn ca Suối hát Ây Rây. Ảnh: Mộc Trà
Thầy giáo Ksor Kốp (đơn vị Phòng GD-ĐT huyện Kông Chro) tự tin biểu diễn tiết mục đơn ca Suối hát Ây Rây. Ảnh: Mộc Trà
Tham gia liên hoan với 2 tiết mục gồm: tam ca “Về với Gia Lai” (một sáng tác của nhạc sĩ Chẩm Hồng Giang) và tốp ca “Âm vang hồn cồng chiêng” (tác giả Nguyễn Văn Hạnh), Phòng GD-ĐT TP. Pleiku đã khiến nhiều người phải trầm trồ bởi sự chuyên nghiệp trong dàn dựng và biểu diễn. Kết quả, cả 2 tiết mục của đơn vị đều đạt giải, trong đó, “Âm vang hồn cồng chiêng” đã xuất sắc giành giải nhất thể loại tốp ca ở Khối Phòng GD-ĐT. Ông Nguyễn Văn Hòa-cán bộ phụ trách đội văn nghệ của đơn vị-cho biết: “Để dự thi tại liên hoan lần này, chúng tôi hướng đến các tiết mục có tính nghệ thuật cao, có nội dung liên quan đến vùng đất và con người Gia Lai. Dù phải triển khai song song với chương trình văn nghệ khai mạc Hội khỏe Phù Đổng thành phố nhưng gần 40 thầy-cô giáo đều cố gắng sắp xếp việc giảng dạy và dành thời gian ngoài giờ để tập luyện trong suốt 20 ngày. Chúng tôi rất hài lòng về kết quả chung cuộc đã đạt được. Đây cũng là dịp để giáo viên trong toàn ngành được giao lưu, gặp gỡ và gần gũi với nhau hơn”.
Bằng giọng ca khỏe khoắn, trầm bổng, thầy giáo Ksor Kốp đến từ Trường Tiểu học và THCS Chơ Long (xã Chơ Long, huyện Kông Chro) đã chinh phục Ban Giám khảo và đông đảo khán giả qua nhạc phẩm “Suối hát Ây Rây” (sáng tác Kpă Y Lăng). “Ây Rây là một điệu hát của đồng bào Ê Đê Tây Nguyên. Ca khúc có giai điệu rất tươi vui, gửi thông điệp về tình yêu thiên nhiên, yêu buôn làng và ẩn chứa trong đó cả tình yêu đôi lứa. Đây cũng là lần đầu tiên tôi mạnh dạn biểu diễn đơn ca nên hơi hồi hộp. Khi biết mình đạt giải nhì tôi rất bất ngờ, một niềm vui nho nhỏ của bản thân nhân dịp Tết nghề năm nay”-thầy Kốp chia sẻ.
Ngoài ra, một số tiết mục khác có nội dung và diễn xuất hay cũng tạo được ấn tượng tốt trong lòng nhiều người như: “Việt Nam ngày mới” của Phòng GD-ĐT huyện Chư Sê, “Ơn Bác Hồ với Tây Nguyên” của Trường THPT Pleiku, “Tổ quốc gọi tên mình” của Trường THPT chuyên Hùng Vương, “Người lái đò thầm lặng” của Phòng GD-ĐT huyện Phú Thiện, “Hồn của núi” của Trường THPT Phạm Văn Đồng (huyện Ia Grai)…
Liên hoan văn nghệ ngành GD-ĐT năm 2019 không chỉ là sân chơi ý nghĩa cho giáo viên mà còn là cơ hội để các em học sinh thể hiện sự đồng hành, gắn bó và tri ân dành cho cô thầy của mình. “Được cùng các bạn tham gia múa minh họa cho thầy cô trong liên khúc “Ca ngợi Tổ quốc-Tự hào người giáo viên nhân dân”, em cảm thấy rất vui và vinh dự. Đã là năm học cuối cấp rồi nên em mong muốn có thật nhiều kỷ niệm lưu lại bên thầy cô, bạn bè và mái trường. Tụi em đã cố gắng biểu diễn thật tốt để giúp thầy cô hoàn thành tốt nhất tiết mục của trường. Đó cũng là món quà nhỏ mà em và các bạn muốn dành tặng thầy cô nhân ngày 20-11, cảm ơn thầy cô vì đã dìu dắt chúng em suốt những năm tháng qua”-em Đồng Thị Thu Hiền-lớp 12A7, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (huyện Chư Pah)-bày tỏ.
 Bà Bùi Khoa Nghi-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT trao thưởng cho các đơn vị đạt giải nhì. Ảnh: M.T
Bà Bùi Khoa Nghi-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT trao thưởng cho các đơn vị đạt giải nhì. Ảnh: M.T
Khép lại liên hoan, 60/80 tiết mục xuất sắc đã được Ban tổ chức trao giải nhất, nhì, ba, khuyến khích tương ứng với các thể loại ở cả 2 khối: Phòng GD-ĐT và trường học trực thuộc Sở. Ông Lê Duy Định-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, Trưởng ban tổ chức liên hoan-đánh giá: Liên hoan văn nghệ lần này có chất lượng chuyên môn vượt trội, qua đó xuất hiện nhiều gương mặt nhà giáo có năng khiếu ca hát, thể hiện đầy tự tin trên sân khấu, tạo được cảm xúc cho người nghe; nhiều tiết mục được đầu tư dàn dựng công phu. Tất cả chứng tỏ quý thầy cô đến với liên hoan bằng tình yêu và lao động nghệ thuật nghiêm túc; đồng thời lãnh đạo các đơn vị cũng đã có sự nhận thức đúng đắn về mục đích, ý nghĩa của liên hoan. Đây thật sự là hoạt động ý nghĩa, tạo không khí vui tươi, sôi nổi, đoàn kết, góp phần khơi dậy phong trào văn hóa-văn nghệ trong nhà trường; thúc đẩy đoàn viên công đoàn, viên chức, người lao động hăng say công tác để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
 MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm