Kinh tế

Nông nghiệp

Liên kết canh tác lúa nước theo hướng hữu cơ: Bước đột phá ở Đak Đoa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 2 năm qua, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và dịch vụ Lam Anh liên kết với một số hộ đồng bào Bahnar ở xã Glar (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) để canh tác lúa nước theo hướng hữu cơ. Đây là bước đột phá hướng đến xây dựng thương hiệu “Gạo sạch Glar”.

Cánh đồng lúa nước xã Glar rộng khoảng 500 ha. Trước đây, phần lớn nông dân canh tác theo lối truyền thống, sử dụng giống cũ, bón nhiều phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Qua nhiều năm, các giống lúa bị thoái hóa, năng suất ngày một giảm, chi phí đầu tư cao dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp.

Ông Lê Hữu Anh (người ngồi)-Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ Lam Anh trao đổi với các hộ sản xuất lúa hữu cơ. Ảnh: Nguyễn Diệp
Ông Lê Hữu Anh (người ngồi)-Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ Lam Anh trao đổi với các hộ sản xuất lúa hữu cơ. Ảnh: Nguyễn Diệp


Để giúp nông dân thay đổi tập quán canh tác, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa tuyên truyền, vận động bà con đưa những giống lúa mới đạt năng suất, chất lượng cao vào gieo trồng. Theo đó, vụ mùa 2021, huyện hỗ trợ giống ĐT100 và J02 cho người dân sản xuất theo mô hình cánh đồng một giống trên diện tích 300 ha. Đồng thời, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện phối hợp với HTX Nông nghiệp và dịch vụ Lam Anh tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng chế phẩm vi sinh quản lý dịch hại trên đồng ruộng theo quy trình EMI Nhật Bản cũng như xây dựng mô hình để người dân học tập canh tác sạch.

Ông Uê-Tổ trưởng Tổ liên kết sản xuất lúa nước và cà phê theo hướng hữu cơ (làng Tuơl Ktu) cho biết: Tổ liên kết có 13 hộ. Từ vụ mùa năm 2021, các hộ dân đã tiếp cận phương pháp canh tác lúa nước mới. “Sản xuất lúa nước theo hướng hữu cơ mang lại nhiều lợi ích như: không độc hại, thân thiện với môi trường, giảm lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, chi phí đầu tư thấp mà hiệu quả kinh tế lại cao hơn so với trước. Đây là tiền đề để tổ tiếp tục liên kết với HTX sản xuất lúa theo hướng hữu cơ”-ông Uê phấn khởi nói.

Trong khi đó, ông Suân (làng Groi Wêt) thì cho hay: Gia đình ông có 5 sào lúa nước. Những năm trước, ông chủ yếu sử dụng các giống lúa cũ, năng suất thấp. Năm 2021, ông tham gia mô hình cánh đồng một giống, được HTX Nông nghiệp và dịch vụ Lam Anh hướng dẫn quy trình sản xuất lúa nước theo hướng hữu cơ. Nhờ đó, năng suất lúa đạt cao hơn trước.

2 Giám đốc HTX Lê Hữu Anh( giữa) trao đổi các hộ sản xuất lúa hữu cơ.jpg
Việc HTX Nông nghiệp và dịch vụ Lam Anh liên kết với một số hộ đồng bào Bahnar ở xã Glar (huyện Đak Đoa) canh tác lúa nước theo hướng hữu cơ là bước đột phá hướng đến xây dựng thương hiệu "Gạo sạch Glar". Ảnh: Nguyễn Diệp


Ông Lê Hữu Anh-Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ Lam Anh-cho hay: Sau khi liên kết với các hộ đồng bào Bahnar trồng cà phê, chanh dây, rau màu theo hướng hữu cơ đạt hiệu quả, từ năm 2021 đến nay, HTX tiếp tục liên kết với 3 hộ trồng lúa trên diện tích 1 ha. Đây là bước đi đầu tiên giúp người dân thay đổi nhận thức, khi thấy hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn thì chúng tôi mở rộng diện tích.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế sau 2 vụ sản xuất theo mô hình cánh đồng một giống và những lợi ích thiết thực từ việc canh tác theo hướng hữu cơ, nhiều hộ dân đã liên kết sản xuất gắn tiêu thụ sản phẩm với HTX Nông nghiệp và dịch vụ Lam Anh. Theo ông Lê Hữu Anh, HTX đang phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ) khảo sát, xây dựng mô hình sản xuất 10 ha lúa nước được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP với sự tham gia của khoảng 30 hộ đồng bào Bahnar. Bên cạnh đó, liên kết với một cơ sở xay xát gạo để thu mua sản phẩm cho người dân. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn người dân mở rộng diện tích lúa nước 2 vụ/năm theo hướng hữu cơ ở những vùng thuận lợi về nguồn nước, giúp bà con có nguồn thu nhập ổn định từ cây lúa.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa-cho biết: 2 năm qua, từ nguồn giống hỗ trợ, người dân canh tác lúa nước theo mô hình cánh đồng một giống mang lại hiệu quả kinh tế cao so với trước đây. Hiện HTX Nông nghiệp và dịch vụ Lam Anh lựa chọn các hộ đồng bào Bahnar liên kết sản xuất theo hướng sạch, hạn chế sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật… Thời gian tới, HTX sẽ là đầu mối chính trong liên kết sản xuất gắn tiêu thụ sản phẩm để xây dựng thương hiệu “Gạo sạch Glar”.      

 NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm