Kinh tế

Doanh nghiệp

Liên kết chuỗi giá trị gỗ rừng trồng: Hướng đi mới của doanh nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nguồn gỗ rừng tự nhiên đang dần cạn kiệt bởi nhiều nguyên nhân khác nhau khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực lâm nghiệp gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, định hướng cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lâm nghiệp phù hợp với bối cảnh mới là việc làm cần thiết hiện nay.
 Công nhân làm việc tại Nhà máy Chế biến gỗ Đức Long Gia Lai (TP. Pleiku). Ảnh: Đ.T
Công nhân làm việc tại Nhà máy Chế biến gỗ Đức Long Gia Lai (TP. Pleiku). Ảnh: Đ.T
Theo thống kê của cơ quan chức năng, trên địa bàn tỉnh hiện có 1.086 doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực lâm nghiệp với 3 nhóm ngành nghề chính, gồm: trồng rừng và khai thác gỗ (507 doanh nghiệp), sản xuất chế biến gỗ (186 doanh nghiệp) và mua bán gỗ (405 doanh nghiệp). Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh-cho biết, đây chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, năng lực tài chính yếu, công nghệ sản xuất lạc hậu, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, vốn không nhiều… dẫn đến bị động trong sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, phần lớn doanh nghiệp chưa nghiên cứu và hiểu rõ các văn bản quy phạm pháp luật về sản xuất kinh doanh lâm nghiệp nên ý thức chấp hành còn hạn chế.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh chỉ mới có khoảng 3.455 ha rừng có chứng nhận quản lý rừng bền vững (FSC) của Công ty MDF Vinafor Gia Lai nằm trên địa bàn các huyện: Mang Yang 1.498,5 ha; Kông Chro 891,42 ha; Krông Pa 808,30 ha...

Để định hướng các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lâm nghiệp hoạt động ổn định, ngày 19-10, tại TP. Pleiku, Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Nhiệt đới đã phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổ chức hội thảo sản xuất và kinh doanh lâm nghiệp, định hướng phát triển trong bối cảnh mới. Hội thảo đã đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ các khó khăn trên, như: chính sách hỗ trợ về vốn; đào tạo đội ngũ có tay nghề cao; hỗ trợ chứng chỉ rừng bền vững, khuyến khích trồng rừng gỗ lớn, xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất kinh doanh gỗ và sản phẩm gỗ rừng trồng. Theo Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Danh, mục đích của hội thảo là cung cấp thông tin về chính sách mới trong lâm nghiệp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; thảo luận về những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp trong kinh doanh lâm nghiệp; chia sẻ kinh nghiệm về sản xuất và kinh doanh lâm nghiệp trong bối cảnh mới. Đặc biệt, việc tiếp cận với Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam-EU, Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu và Luật Lâm nghiệp mới sẽ có hiệu lực trong thời gian tới nhằm tạo ra những thay đổi căn bản trong toàn bộ chuỗi cung ứng từ sản xuất-chế biến-tiêu thụ sản phẩm gỗ, giúp doanh nghiệp xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh lâu dài và ổn định. Muốn phát triển lâm nghiệp bền vững trong những năm tới, rừng Gia Lai phải có chứng nhận quản lý rừng bền vững (FSC) do tổ chức quốc tế cấp, doanh nghiệp muốn thu mua gỗ nước ngoài về sản xuất cũng phải truy xuất nguồn gốc rõ ràng… Vì vậy, việc nghiên cứu đề xuất mô hình liên kết theo chuỗi giá trị gỗ rừng trồng là rất cần thiết.
Theo ông Huỳnh Văn Hạnh-Phó Chủ tịch Thường trực Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh, những năm trước, các doanh nghiệp Gia Lai nhập khẩu gỗ từ Lào về. Nhưng khoảng 2 năm trở lại đây, việc nhập khẩu gỗ không còn. Được biết, tỉnh Gia Lai rất phong phú về chủng loại gỗ, vì vậy, thời gian tới nên phát triển gỗ rừng trồng có chứng chỉ. Bên cạnh đó, cần đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến gỗ, vừa tạo việc làm cho lao động địa phương vừa nâng cao chất lượng sản phẩm. “Riêng TP. Hồ Chí Minh không sử dụng nguồn gốc gỗ rừng tự nhiên mà chủ yếu lấy gỗ rừng trồng có nguồn gốc hợp pháp, có chứng chỉ quản lý bền vững từ các tỉnh duyên hải miền Trung trở vào”-ông Hạnh thông tin thêm.
Trao đổi với P.V, ông Lê Văn Lân-Điều phối viên Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Nhiệt đới-cho hay: Những năm qua, diện tích rừng tự nhiên các tỉnh Tây Nguyên mất nhiều, vì vậy cần khôi phục cảnh quan, gắn với sinh kế của người dân sống gần rừng. Hội thảo là dịp để cung cấp thông tin về chính sách và sáng kiến mới trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ lâm sản cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Gia Lai cũng như các tỉnh Tây Nguyên nắm bắt cơ hội, đề xuất giải pháp, chia sẻ kinh nghiệm về sản xuất và kinh doanh các sản phẩm lâm nghiệp trong bối cảnh mới, từ đó thay đổi nhận thức sử dụng gỗ rừng hợp pháp, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm gỗ chế biến.
Nguyễn Hồng

Có thể bạn quan tâm