Kinh tế

Nông nghiệp

Liên kết sản xuất cà phê sạch tại Gia Lai: Hướng đi bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Những năm gần đây, nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã và người dân trong tỉnh Gia Lai đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp để sản xuất cà phê sạch theo tiêu chuẩn 4C, VietGAP. Việc liên kết này nhằm hướng đến sự phát triển bền vững của ngành sản xuất cà phê.
Gia Lai hiện có hơn 97 ngàn ha cà phê, tập trung chủ yếu tại các huyện: Đak Đoa, Ia Grai, Chư Sê, Mang Yang, Chư Prông, Đức Cơ, Chư Pah, Chư Pưh và TP. Pleiku. Trong đó, diện tích cà phê kinh doanh hơn 83 ngàn ha, còn lại đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản và tái canh.     
Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường, những năm gần đây, ngành Nông nghiệp các địa phương và doanh nghiệp đã liên kết với các tổ hợp tác, hợp tác xã xây dựng các mô hình sản xuất cà phê sạch theo tiêu chuẩn 4C, VietGAP. Trong số này có mô hình sản xuất cà phê chất lượng cao do Viện Chính sách Chiến lược phát triển nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) hỗ trợ Hợp tác xã Nông nghiệp-Dịch vụ Ia Ring (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) triển khai năm 2019 với sự tham gia của 30 hộ dân, mỗi hộ 1 ha. Khi tham gia mô hình, các hộ dân được hỗ trợ phân bón và tập huấn kỹ thuật sản xuất.
Ông Trần Thiện Văn (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) bên vườn cà phê chất lượng cao. Ảnh: N.D
Ông Trần Thiện Văn (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) bên vườn cà phê chất lượng cao. Ảnh: N.D
Là một trong những hộ tham gia mô hình sản xuất cà phê chất lượng cao, ông Trần Thiện Văn (làng Ia Ring, xã Ia Tiêm) cho biết: “Gia đình tôi có 3 ha cà phê kinh doanh đã nhiều năm. Niên vụ này, gia đình tham gia sản xuất cà phê chất lượng cao với diện tích 1 ha. Sau khi sử dụng phân sinh học được hỗ trợ để bón cho vườn cây, tôi nhận thấy 1 ha cà phê này phát triển tốt hơn so với số còn lại. Tôi đang bắt đầu thu hoạch 1 ha cà phê tham gia mô hình, năng suất dự kiến đạt 6 tấn nhân, cao hơn rất nhiều so với trước. Sau vụ thu hoạch này, gia đình sẽ đầu tư sản xuất 2 ha còn lại theo quy trình canh tác chất lượng cao”. 
Trước khi tham gia mô hình sản xuất cà phê chất lượng cao, những năm gần đây, các thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp-Dịch vụ Ia Ring cùng hàng trăm hộ dân làng Ia Ring đã liên kết với các doanh nghiệp sản xuất cà phê sạch theo tiêu chuẩn 4C với diện tích khoảng 400 ha. Khi tham gia liên kết, người trồng cà phê được tập huấn quy trình tưới nước, làm cỏ, bón phân và ghi chép đầy đủ nhật ký nông hộ khi thu hoạch. Cà phê thu hoạch được các doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn sản phẩm sản xuất theo phương thức truyền thống 200-300 đồng/kg. Ông Nguyễn Chiến (làng Ia Ring) cho hay: “Gia đình tôi có hơn 3 ha cà phê kinh doanh trồng bằng giống mới TRS1 và TRS4 đã liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn 4C, năng suất bình quân đạt 5 tấn nhân/ha. Cà phê cho nhân to nên các công ty thu mua rất ưa chuộng”.
Toàn tỉnh Gia Lai hiện có hơn 1.000 ha cà phê được sản xuất theo tiêu chuẩn 4C, organic. Ảnh: Đức Thụy
Toàn tỉnh Gia Lai hiện có hơn 1.000 ha cà phê được sản xuất theo tiêu chuẩn 4C, organic. Ảnh: Đức Thụy
Ngoài Hợp tác xã Nông nghiệp-Dịch vụ Ia Ring, hiện nay, nhiều hợp tác xã và người dân trên địa bàn tỉnh đã chủ động liên kết sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C. Ông Trần Ngọc Hưng (thôn 4, xã Trà Đa, TP. Pleiku) cho hay: “Gia đình tôi đã tham gia tổ sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C của xã Trà Đa với diện tích khoảng 1,8 ha. Qua thu hoạch, năng suất cà phê đạt 4-4,5 tấn nhân/ha. Sản xuất theo tiêu chuẩn 4C, sản phẩm cà phê làm ra luôn được các công ty thu mua với giá cao hơn so với sản xuất thông thường”. Cũng theo ông Hưng, mỗi vụ, gia đình ông lãi khoảng 100 triệu đồng từ vườn cà phê sản xuất theo tiêu chuẩn 4C.
Trao đổi với P.V, ông Trịnh Quốc Việt-Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh-thông tin: “Toàn tỉnh hiện có trên 10.000 ha cà phê sản xuất theo tiêu chuẩn 4C. Ngoài ra còn có 45 ha cà phê của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp sản xuất theo tiêu chuẩn organic. Lợi ích của việc sản xuất theo các tiêu chuẩn là sản phẩm làm ra đảm bảo an toàn về sức khỏe cho người tiêu dùng; môi trường được bảo vệ nhờ người dân không sử dụng các loại hóa chất độc hại để canh tác”.
 NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm