Kinh tế

Nông nghiệp

Liên kết sản xuất mắc ca theo chuỗi giá trị

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gia Lai có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để phát triển cây mắc ca. Vì vậy, tỉnh đã triển khai thực hiện Đề án phát triển bền vững mắc ca giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, giải pháp trọng tâm là gắn việc mở rộng diện tích với phát triển công nghiệp chế biến.

Hiệu quả kinh tế cao

Năm 2010, Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Đak Rong (huyện Kbang) thí điểm trồng cây mắc ca với diện tích 3 ha. Sau đó, huyện Kbang bắt đầu hỗ trợ người dân một số xã trồng cây mắc ca xen trong vườn cà phê. Đến nay, tổng diện tích mắc ca của huyện là 2.824,5 ha (208,8 ha trồng thuần, 2.615,7 ha trồng xen), tập trung chủ yếu tại các xã: Sơ Pai 629,2 ha, Sơn Lang 528,1 ha, Krong 504,8 ha, Đak Rong 448,5 ha, Kon Pne 125,5 ha, Đak Smar 126,2 ha và thị trấn Kbang 342,3 ha.

Xã Sơn Lang có 528,1 ha cây mắc ca, chủ yếu trồng xen trong vườn cà phê. Vừa qua, xã đã vận động thành lập Nông hội trồng cà phê xen mắc ca. Ông Thiều Viết Đoàn-Chủ nhiệm Nông hội-cho biết: Nông hội mới được thành lập vào đầu tháng 7-2023 với 38 thành viên. Các thành viên trồng khoảng 50 ha mắc ca.“Nhà tôi có 2,5 ha mắc ca trồng xen trong vườn cà phê từ năm 2012. Năng suất mắc ca bình quân đạt trên 3 tấn/ha. Hiện nay, mắc ca tươi có giá 70-80 ngàn đồng/kg, mắc ca chế biến loại 1 có giá 170 ngàn đồng/kg, loại 2 giá 130 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt 180-200 triệu đồng/ha.

Để nâng cao giá trị, tôi đầu tư máy sấy, máy chẻ hạt, máy hút chân không chế biến hạt mắc ca. Đồng thời, tôi đang làm hồ sơ để tham gia Chương trình OCOP. Sau nhiều năm gắn bó với cây mắc ca, tôi thấy loài cây này phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở đây, ít tốn công chăm sóc, chi phí đầu tư nhưng lợi nhuận cao gấp 3 lần so với cây cà phê”-ông Đoàn chia sẻ.

Gia đình ông Thiều Viết Đoàn-bà Nguyễn Thị Thủy (thôn Thống Nhất, xã Sơn Lang, huyện Kbang) chế biến mắc ca mang thương hiệu Mắc ca sấy Đoàn Thủy. Ảnh: L.N

Gia đình ông Thiều Viết Đoàn-bà Nguyễn Thị Thủy (thôn Thống Nhất, xã Sơn Lang, huyện Kbang) chế biến mắc ca mang thương hiệu Mắc ca sấy Đoàn Thủy. Ảnh: L.N

Còn ông Dương Đình Kiệt (tổ 12, thị trấn Kbang) cho hay: Năm 2019, nhận thấy giá trị cao từ cây mắc ca, ông liên kết với Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Ka Nak trồng thuần 29 ha tại tiểu khu 124 và 129 (thuộc địa phận xã Đak Smar). Đến nay, vườn cây bắt đầu cho thu bói và dự kiến 1-2 năm tới sẽ bước vào kinh doanh. “Chi phí đầu tư mỗi héc ta mắc ca ở giai đoạn kiến thiết cơ bản (5 năm) khoảng 200 triệu đồng, từ năm thứ 6 trở đi đầu tư khoảng 30 triệu đồng/ha. Với giá như hiện nay thì lợi nhuận đạt 150-200 triệu đồng/ha”-ông Kiệt cho hay.

Ngoài huyện Kbang, cây mắc ca còn được trồng ở các huyện như: Đak Đoa với 100 ha, Chư Păh 100 ha, Ia Grai 78 ha, Chư Sê 108,5 ha, Mang Yang 37,2 ha… Hiện nay, cơ cấu giống mắc ca trên địa bàn tỉnh chủ yếu là QN1, 246, 788, 842, OC. Đây là những giống có năng suất cao, hạt to, vỏ mỏng. Diện tích mắc ca trồng xen (100-150 cây/ha) cho thu hoạch 1-2,6 tấn/ha, diện tích trồng thuần (180-250 cây/ha) cho thu hoạch 1,5-3,7 tấn/ha, cá biệt có vườn cho năng suất 4-5 tấn/ha.

Ông Ngô Mạnh Trường (thôn 1, xã Hải Yang, huyện Đak Đoa) cho biết: Năm 2012, ông được Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện hỗ trợ trồng thí điểm 0,5 ha mắc ca. Đến nay, gia đình đã nhân rộng diện tích loại cây này lên 5 ha. Vụ này, gia đình ông thu hoạch được 13 tấn quả tươi.

“Trồng cây mắc ca ít tốn công chăm sóc và phân bón nhưng hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn nhiều so với các loại cây chủ lực ở đây như: cà phê, cao su, hồ tiêu. Đến thời điểm này, tôi thấy cây mắc ca vẫn có giá cả ổn định, được thương lái tìm mua tận vườn. Vừa rồi, thương lái thu mua tại vườn với giá quả đẹp là 105 ngàn đồng/kg, còn quả loại 2 và loại 3 là 60-80 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí đầu tư, tôi thu về gần 1 tỷ đồng”-ông Trường vui vẻ nói.

Hướng đến phát triển bền vững

Ngày 3-7-2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp đã ký ban hành Kế hoạch số 1671/KH-UBND triển khai thực hiện Đề án phát triển bền vững mắc ca giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, giai đoạn 2021-2025 chủ yếu tập trung phát triển diện tích mắc ca tại huyện Kbang.

Đến năm 2025, qua kết quả đánh giá vùng trồng sẽ tiếp tục phát triển ở một số huyện như: Đak Đoa, Mang Yang, Chư Păh; các huyện còn lại như: Ia Grai, Chư Prông, Chư Sê tiếp tục theo dõi, đánh giá diện tích mắc ca đang trồng thử nghiệm để khẳng định sự thích hợp và tính hiệu quả trước khi phát triển trồng đại trà.

Mô hình trồng xen cây mắc ca trong vườn cà phê của người dân huyện Kbang. Ảnh: L.N

Mô hình trồng xen cây mắc ca trong vườn cà phê của người dân huyện Kbang. Ảnh: L.N

Theo kế hoạch, tổng diện tích mắc ca đạt 4.045 ha vào năm 2030, trong đó, diện tích trồng mới là 1.899 ha (trên 500 ha đạt chứng nhận hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP). Đến năm 2050, tỉnh phấn đấu diện tích mắc ca đạt khoảng 6.660 ha.

Mục tiêu của tỉnh là phát triển mắc ca thành ngành hàng sản xuất hiệu quả, bền vững; tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống người dân, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, gắn với việc nâng cao độ che phủ của rừng, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, chống sa mạc hóa phù hợp với Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Phát triển bền vững mắc ca trên địa bàn tỉnh, nâng cao năng suất, giá trị, hiệu quả kinh tế cho người dân và doanh nghiệp tham gia sản xuất; phát triển công nghiệp chế biến mắc ca với cơ cấu sản phẩm đa dạng, chất lượng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Tập trung đầu tư hệ thống canh tác trồng xen mắc ca với cà phê và các loại cây trồng phù hợp khác, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế sử dụng đất đai, tăng diện tích cà phê được trồng cây che bóng. Nâng cấp 18 cơ sở sơ chế, chế biến hiện có và thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng 24 cơ sở sơ chế, chế biến mắc ca tại các huyện: Kbang, Chư Păh, Mang Yang, Đak Đoa, Chư Sê.

Thực hiện Đề án phát triển bền vững mắc ca giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các địa phương đã xây dựng kế hoạch, tiến hành rà soát quỹ đất để trồng mắc ca cho từng giai đoạn, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng từng vùng và đảm bảo phát triển vùng nguyên liệu gắn với cơ sở sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Ông Mã Văn Tình-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang-cho biết: Cây mắc ca rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Kbang. Nguồn đất để trồng xen cây mắc ca còn rất lớn khi tổng diện tích cà phê của huyện là 3.590 ha. Ngoài ra, huyện đã xây dựng kế hoạch và định hướng đến năm 2030 sẽ phát triển diện tích mắc ca lên trên 3.000 ha. Bên cạnh đó, huyện đã xây dựng được 3 sản phẩm mắc ca đạt chứng nhận OCOP và gần 20 cơ sở chế biến. Địa phương cũng đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ hoàn tất các thủ tục đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Mắc ca Kbang-Gia Lai”.

Nhiều hộ dân ở huyện Chư Păh phát triển mô hình trồng xen cây mắc ca trong vườn cà phê. Ảnh: L.N

Nhiều hộ dân ở huyện Chư Păh phát triển mô hình trồng xen cây mắc ca trong vườn cà phê. Ảnh: L.N

Tương tự, ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa-cho biết: Qua rà soát, diện tích cà phê, hồ tiêu già cỗi trên địa bàn giai đoạn 2021-2025 khá lớn với bình quân 350 ha/năm. Những diện tích này có khả năng đưa vào kế hoạch trồng xen cây mắc ca khi tái canh. Ngoài ra, diện tích nằm trong quy hoạch lâm nghiệp trồng rừng hàng năm cũng rất lớn nên rất phù hợp để phát triển cây mắc ca như tại các xã: Hà Đông, Đak Krong, Kon Gang, Đak Sơ Mei, Hải Yang.

“Từ tiềm năng, lợi thế như vậy, huyện xây dựng kế hoạch đến năm 2030 phát triển diện tích mắc ca lên 550 ha và đến năm 2030 là khoảng 1.000 ha. Đồng thời, hỗ trợ thành lập các hợp tác xã, tổ chức liên kết với người dân sản xuất theo chuỗi giá trị từ khâu trồng đến chế biến sâu và định hướng người dân sản xuất theo quy trình kỹ thuật được chứng nhận OCOP, VietGAP, GlolGAP nhằm phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu”-ông Nguyễn Kim Anh thông tin.

Còn ông Nguyễn Công Sơn-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Păh thì cho hay: Dự kiến giai đoạn 2021-2030, huyện phát triển 460 ha mắc ca, đến năm 2050 là khoảng 1.000 ha. Địa phương cũng đề nghị các sở, ban, ngành tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư phát triển theo chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ và chế biến các sản phẩm từ mắc ca. Ngành Nông nghiệp cần kiểm soát, quản lý chặt chẽ hơn nữa việc kinh doanh, buôn bán cây giống mắc ca, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để hạn chế thiệt hại cho người dân.

Có thể bạn quan tâm