(GLO)- Dự án “Xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hồ tiêu Chư Sê” được triển khai thực hiện từ năm 2016 đến nay đã giúp nhiều hộ nông dân ở xã Ia Tiêm nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất loại cây trồng này.
Hồ tiêu là một trong những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ nông dân ở huyện Chư Sê (Gia Lai). Tuy nhiên, vài năm nay, người trồng hồ tiêu đối mặt với nhiều khó khăn do vườn cây bị nhiễm bệnh chết hàng loạt, giá lại liên tục giảm mạnh.
Vườn hồ tiêu sản xuất theo hướng hữu cơ. Ảnh: N.D |
Trước tình hình này, năm 2016, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ Nông nghiệp và PTNT) phối hợp với Chi cục PTNT (Sở Nông nghiệp và PTNT) chọn xã Ia Tiêm để triển khai thực hiện dự án “Xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hồ tiêu Chư Sê” với sự tham gia của 15 hộ ở thôn Ia Ring đã liên kết sản xuất hồ tiêu từ những năm trước. Quy mô dự án khoảng 3 ha, trong đó, mỗi hộ đóng góp 2 sào (khoảng 400 trụ hồ tiêu). Các hộ tham gia được hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; được tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật canh tác hồ tiêu theo hướng hữu cơ. Đến nay, dự án này đã thu hút được 60 hộ trồng hồ tiêu tham gia với tổng diện tích khoảng 12 ha. Đặc biệt, dự án đã xây dựng và phát triển được một hợp tác xã kiểu mới để chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vật tư đầu vào và liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên.
Ông Phan Văn Thanh (thôn Ia Ring) cho biết, gia đình ông trồng hồ tiêu đã nhiều năm và có khoảng 1.000 trụ. Vài năm trở lại đây, giá hồ tiêu liên tục tuột dốc đã ảnh hưởng rất lớn nguồn thu nhập của gia đình. Khi tham gia mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ hồ tiêu theo hướng hữu cơ, ông thấy hiệu quả mang lại cao hơn hẳn so với trước. Ông Thanh phân tích: “Trước đây, bà con sản xuất theo phương thức truyền thống sử dụng nhiều phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật và không theo quy trình tiêu chuẩn an toàn nên chi phí đầu tư mỗi vụ rất lớn. Nhưng hiện nay, bà con chủ yếu sử dụng phân bón hữu cơ kết hợp với các chế phẩm sinh học nên chi phí đầu tư giảm nhiều, vườn hồ tiêu lại phát triển xanh tốt, cho năng suất cao hơn”. Cùng niềm vui này, anh Đào Vĩnh Dũng (thôn Ia Ring) cho biết: “400 trụ hồ tiêu tham gia mô hình của gia đình tôi năm nay thực hiện đúng quy trình kỹ thuật hướng dẫn, đào rãnh thoát nước nên đỡ bị chết hơn so với các vườn hồ tiêu khác ngoài mô hình. Dự án đã hỗ trợ vật tư nông nghiệp kịp thời góp phần mang lại niềm tin cho chúng tôi”.
Về phía huyện Chư Sê, ông Nguyễn Văn Thương-Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Dự án “Xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ hồ tiêu Chư Sê” đang đi đúng hướng và đáp ứng nhu cầu của người trồng hồ tiêu hiện nay. Mô hình nhận được sự quan tâm hỗ trợ rất lớn từ các đơn vị liên quan của Sở Nông nghiệp và PTNT. Ngành nông nghiệp huyện đang tập trung hỗ trợ bà con sản xuất theo hướng hữu cơ. Mô hình đang phát huy hiệu quả giúp nông dân hưởng lợi để tiếp tục duy trì và phát triển sản xuất hồ tiêu theo hướng bền vững. “Trong thời gian tới, Trạm Khuyến nông huyện sẽ xây dựng kế hoạch tập huấn quy trình kỹ thuật để hướng dẫn bà con sản xuất theo hướng an toàn, bền vững, từ đó nhân rộng mô hình này cho nhiều người đến học tập đưa vào sản xuất”-ông Thương nhấn mạnh.
Nguyễn Hồng
-----------------
CHUYÊN ĐỀ CÓ SỰ PHỐI HỢP CỦA CHI CỤC PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH