Xã hội

Đời sống

Liên tiếp cháy lò sấy thuốc lá: Người dân bị thiệt hại nặng nề

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chưa đầy 1 tháng qua, huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) liên tiếp xảy ra 3 vụ cháy lò sấy thuốc lá tại 2 xã Pờ Tó và Ia Trốk, thiêu hủy toàn bộ số thuốc lá đang sấy, gây thiệt hại nặng nề.

Đã hơn 1 tuần trôi qua kể từ khi lò sấy thuốc lá của gia đình xảy ra hỏa hoạn nhưng chị Nay H'Huỳnh (buôn Chơ Ma, xã Ia Trốk) vẫn chưa hết bàng hoàng. Vụ hỏa hoạn thiêu rụi hơn 900 ghim thuốc lá của gia đình và 4 hộ dân khác. Chị H'Huỳnh kể: Khoảng 8 giờ 30 phút ngày 22-3, gia đình đang sấy lò thuốc thứ 4 thì xảy ra hỏa hoạn. Thuốc đã sấy được 6 ngày, chuẩn bị ra lò thì bị cháy, lửa bao trùm toàn bộ lò thuốc. Mặc dù gia đình và người dân xung quanh cố gắng bơm nước dập lửa nhưng không thành. Chưa đầy 30 phút, toàn bộ số thuốc lá trong lò đã bị thiêu rụi thành tro.

Cũng theo chị H'Huỳnh, vụ Đông Xuân 2023-2024, gia đình chị trồng 2 ha thuốc lá. Những năm trước, chị thường sấy chung với cha mẹ nhưng năm nay nhờ vay được nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội nên gia đình đầu tư xây lò sấy riêng trị giá gần 100 triệu đồng. Để đủ thuốc cho 1 mẻ sấy, chị nhận sấy thuê hơn 400 ghim thuốc lá cho 4 hộ dân lân cận. Rủi ro xảy ra, thuốc lá cháy rụi, ngoài thiệt hại của gia đình, chị phải đền cho 4 hộ dân 50 ngàn đồng/ghim thuốc.

Lò sấy của gia đình chị Nay H'Huỳnh (buôn Chơ Ma, xã Ia Trốk) đã được sửa chữa và hoạt động trở lại sau vụ hỏa hoạn. Ảnh: V.C

Lò sấy của gia đình chị Nay H'Huỳnh (buôn Chơ Ma, xã Ia Trốk) đã được sửa chữa và hoạt động trở lại sau vụ hỏa hoạn. Ảnh: V.C

Có kinh nghiệm sấy thuốc lá nhiều năm cùng cha mẹ nhưng khi hỏa hoạn xảy ra, chị H'Huỳnh cũng không biết nguyên nhân từ đâu. Chị chỉ phỏng đoán rằng có thể trong quá trình đốt củi, tàn lửa theo gió bay vào lò sấy, tiếp xúc với lá thuốc khô nên bùng cháy. Tiếc của, nhưng diện tích thuốc lá ngoài đồng đã chín vàng phải thu hoạch cho kịp thời vụ nên vợ chồng chị gắng gượng vay thêm 5 triệu đồng sửa chữa lò để sấy mẻ thuốc thứ 5. Giờ chị chỉ hy vọng những mẻ thuốc sau thuận lợi giúp gia đình vớt vát phần nào chi phí đầu tư.

“Số thuốc lá bị cháy ước thiệt hại 100 triệu đồng. Gia đình mình thuộc diện hộ nghèo của xã. Được chính quyền địa phương hỗ trợ vay vốn làm ăn để thoát nghèo, không ngờ hỏa hoạn xảy ra. Gia đình lo không biết lấy tiền đâu để đền bù cho các hộ khác cũng như trả lãi ngân hàng”-chị H'Huỳnh ngậm ngùi nói.

Tại xã Pờ Tó, gia đình ông Trần Văn Thơ (thôn 2) cũng bị thiệt hại nặng nề do cháy lò sấy thuốc lá. Ông Thơ chia sẻ: Lò sấy thuốc lá gia đình xây dựng được 3 năm và ông khá yên tâm vì đã có những kinh nghiệm nhất định. Không ngờ, khi gia đình đang sấy mẻ thứ 4, chỉ còn 2 giờ nữa ra lò thì hỏa hoạn xảy ra thiêu rụi toàn bộ 1.900 ghim thuốc lá. “Nguyên nhân có thể là do trong mẻ thuốc hôm đó, ngoài số ghim thuốc treo trên giàn sấy, gia đình rải thêm ít lá thuốc rời còn dư xuống dưới sàn. Khi lá thuốc khô, mảnh vụn thuốc bay vào ống dẫn nhiệt nên xảy ra cháy. Toàn bộ mẻ thuốc thành tro, cộng với chi phí sửa chữa lò ước tính gần 200 triệu đồng. Công ty thu mua thuốc lá hỗ trợ về giá cho những mẻ thuốc đã sấy khô song cũng không thấm vào đâu. Rủi ro do mình bất cẩn nên đành chịu”-ông Thơ rầu rĩ.

Trực tiếp xuống thăm hỏi, động viên hộ dân bị thiệt hại do cháy lò sấy thuốc lá, bà Ngô Thị Tuyết-Bí thư Đảng ủy xã Ia Trốk-thông tin: Thời gian qua, chính quyền địa phương thường xuyên phối hợp với ngành chức năng tổ chức tuyên truyền kỹ năng phòng cháy-chữa cháy cho người dân; vận động mỗi hộ gia đình tự trang bị bình chữa cháy, đề phòng hỏa hoạn xảy ra. Tuy nhiên, do lò sấy thuốc lá xây kín nên khi hỏa hoạn xảy ra, người dân gặp khó trong quá trình chữa cháy.

Trong tháng 3, trên địa bàn xã Ia Trốk xảy ra 2 vụ cháy lò sấy thuốc lá đều tại buôn Chơ Ma, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người dân. Ngay sau khi nắm được thông tin, xã đã xuống kiểm tra, nắm tình hình, động viên hộ dân khắc phục rủi ro, tiếp tục tăng gia sản xuất. Chính quyền địa phương sẽ phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, rà soát công tác phòng cháy-chữa cháy tại các lò sấy thuốc lá; tuyên truyền các hộ dân thường xuyên kiểm tra lò sấy để đảm bảo an toàn; khuyến khích các hộ dân chuyển sang lò sấy bán điện để giảm thiểu rủi ro cháy nổ.

Vụ hỏa hoạn lò sấy thuốc lá xảy ra tại xã Ia Trốk (ảnh cắt từ clip do người dân ghi lại).

Vụ hỏa hoạn lò sấy thuốc lá xảy ra tại xã Ia Trốk (ảnh cắt từ clip do người dân ghi lại).

Theo thống kê, toàn huyện Ia Pa hiện có khoảng 330 lò sấy thuốc lá, trong đó khoảng 10% là lò sấy cải tiến, còn lại hầu hết là lò sấy truyền thống với 100% củi đốt. Nguyên liệu chính vẫn là củi điều, vỏ trấu nên tiềm ẩn nguy cơ xảy ra hỏa hoạn. Các lò sấy đều được xây dựng xa nhà ở nhưng khi hỏa hoạn xảy ra vẫn gây thiệt hại rất lớn.

Trao đổi với P.V, Thiếu tá Phạm Văn Kiên-Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ khu vực Ayun Pa (Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh) cho hay: Do các lò sấy thuốc lá đang ở nhiệt độ cao nên khi xảy ra cháy, ngọn lửa bùng lên rất nhanh. Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy khi tới hiện trường cũng chỉ triển khai biện pháp dập tắt tàn lửa, chống cháy lan.

Cũng theo Thiếu tá Phạm Văn Kiên, để phòng tránh nguy cơ cháy lò sấy thuốc lá, hàng năm, Đội đều phối hợp với chính quyền các địa phương tuyên truyền người dân các biện pháp phòng cháy-chữa cháy, khuyến cáo các chủ lò trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ; thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng dây chuyền lò sấy đảm bảo tiêu chuẩn quy định; phân công người trực, theo dõi nhiệt độ lò trong suốt thời gian sấy. Khi có cháy, người dân cần nhanh chóng báo chính quyền địa phương hoặc điện thoại trực tiếp cho lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy theo số điện thoại 114 để kịp thời ứng cứu.

Có thể bạn quan tâm