Xã hội

Đời sống

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Giấy báo tử ông Lệ do Chính ủy Trương Lạch ký. Tháng 3-1981, ông Lệ ra quân với tình trạng sức khỏe suy giảm 61%, là thương binh 2/4. Cả gia đình ngỡ ngàng không tin nổi khi thấy ông trở về. Còn ông thì không khỏi lạnh người khi nhìn thấy chân dung mình sau làn khói hương vấn vít...

“Ngày này năm xưa là ngày giỗ tôi. Hôm nay, tôi uống cà phê hoài niệm và thương nhớ những ngày dài đã qua trong đời của tháng năm nhọc nhằn khổ ải ở chiến trường Tây Nam năm nào”-thương binh Ngô Văn Lệ (phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) viết đôi dòng tự sự như thế vào ngày 4-11-2023, đúng vào ngày ông được cho là đã hy sinh cách đây 45 năm.

Liệt sĩ trở về sau nhiều năm báo tử không phải là chuyện hiếm, song trường hợp của ông Ngô Văn Lệ thì khá hy hữu. Cùng với những hoài niệm về một thời lửa đạn, trăn trở lớn nhất của ông là xác minh danh tính đồng đội đang nằm dưới ngôi mộ mang tên ông ở Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đak Đoa.

“Tôi vẫn nở nụ cười trước nắng hạ chiều đông”

Trò chuyện với người từng là lính tình nguyện Việt Nam trong một cuộc gặp mới đây, chúng tôi được biết: Ông Lệ sinh năm 1959, nhập ngũ ngày 23-7-1977, là chiến sĩ Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 29, Sư đoàn 307 (Quân khu 5). Chỉ 1 năm trong quân ngũ, ông đã bị thương 4 lần. Đến lần thứ 4, trong trận đánh với quân Pol Pot ở biên giới Việt Nam-Campuchia vào ngày 4-11-1978, ông bị vỡ hộp sọ khi 1 quả DKZ của địch nổ ngay phía sau, mảnh văng vào đầu. Tưởng ông đã chết, đồng đội khiêng về tuyến sau. Tên ông được đưa vào danh sách báo tử.

Ông Ngô Văn Lệ và tác giả. Ảnh: L.N

Ông Ngô Văn Lệ và tác giả. Ảnh: L.N

Ai mà không thích những con đường bằng phẳng, nhưng ông Lệ thì ngược lại. Ông bảo: “Số tôi quá may mắn. Nhờ đoạn đường gồ ghề hư hỏng nhồi lên nhồi xuống riết nên khi xe về tới Đức Cơ thì tôi tỉnh lại”. Cơn mưa cuối mùa đổ xuống khiến người lính trận mơ hồ nhận ra thực tại cùng nỗi đau thể xác. Ông được đưa về trạm phẫu trung đoàn thay vì ra nghĩa trang. Số phận bất ngờ đi theo một hướng khác.

Sau hơn 1 tháng điều trị, ông Lệ về đơn vị cũ tiếp tục chiến đấu, trong khi đó, danh sách liệt sĩ vẫn được gửi tới quân lực Trung đoàn. Giấy báo tử ông Lệ do Chính ủy Trương Lạch ký. Tháng 3-1981, ông Lệ ra quân với tình trạng sức khỏe suy giảm 61%, là thương binh 2/4. Cả gia đình ngỡ ngàng không tin nổi khi thấy ông trở về. Còn ông thì không khỏi lạnh người khi nhìn thấy chân dung mình sau làn khói hương vấn vít trên bàn thờ. Kèm theo giấy báo tử còn có cả sơ đồ mộ chí ở nghĩa trang của Trung đoàn (cách Nghĩa trang Liệt sĩ Đức Cơ hiện nay hơn 10 km về phía biên giới với Campuchia). Sau đó, ngôi mộ mang tên ông được quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đak Đoa.

Với tâm lý của một người “dám nghĩ, dám làm, dám chết cho người khác sống nhưng lại không dám nói lớn vì sợ người đời chê trách làm lính quèn mang bệnh công thần”, ông Lệ âm thầm riêng mang câu chuyện hết sức đặc biệt này. Cũng chưa một lần ông đến viếng ngôi mộ ấy vì nhiều lý do. Nhưng kỳ lạ là, thảng hoặc khi đang đi trên đường, ông cứ có cảm giác trong tiếng gió như có ai gọi tên mình. Ông bảo, có lẽ người lính nằm dưới ngôi mộ kia đang thôi thúc ông tìm kiếm để trả lại tên cho anh.

Giữa năm 2023, khi một số đồng đội biết chuyện và quyết tâm giúp ông tháo gỡ vướng mắc, ông xúc động viết dòng trạng thái trên Facebook khẳng định sự tồn tại của bản thân sau 45 năm lặng lẽ: “Tôi đây. Tôi vẫn nở nụ cười trước nắng hạ chiều đông…”. Ông cũng hay nói vui mỗi khi được bạn chở đi đâu đó: “Ông ni chở liệt sĩ đi từ sáng tới chừ”.

Trả lại tên cho anh

Một trong những đồng đội nhiệt tình hỗ trợ ông Lệ mọi thủ tục giấy tờ, thậm chí lặn lội nhiều nơi để xác minh là ông Huỳnh Bá Hiếu, cựu lính tình nguyện của Đại đội 21, Trung đoàn 94, Sư đoàn 307 (hiện trú tại phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng). Ông Hiếu cho hay, qua xác minh, thật trùng hợp là trong đơn vị ông Lệ có một người cùng nhập ngũ năm 1977, tên Nguyễn Lê, quê tỉnh Nghĩa Bình (nay là 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định). Cả 2 chiến đấu chung một trận, cùng bị thương vào ngày 4-11-1978. Ông Lệ hôn mê, đơn vị tưởng đã chết nên làm giấy báo tử; còn Nguyễn Lê lúc đầu tỉnh nhưng sau đó hy sinh. Vì vậy, theo suy đoán của các cựu chiến binh, người nằm bên dưới ngôi mộ mang tên Ngô Văn Lệ rất có thể là liệt sĩ Nguyễn Lê, người mà mãi đến 10 năm sau, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định mới báo tử.

Ông Ngô Văn Lệ (bìa trái) thắp hương viếng đồng đội tại Nghĩa trang Liệt sĩ Đức Cơ. Ảnh: P.D

Ông Ngô Văn Lệ (bìa trái) thắp hương viếng đồng đội tại Nghĩa trang Liệt sĩ Đức Cơ. Ảnh: P.D

Với tâm niệm “trả lại tên cho anh, trả lại mộ cho người”, ông Hiếu đã đưa ông Lệ đến gặp lãnh đạo Ban Chính sách Quân khu 5 để trình bày nội dung sự việc. Từ chỗ hết sức bất ngờ trước sự việc hy hữu này, đại diện Ban Chính sách hứa sẽ làm hết sức mình để cả liệt sĩ trở về lẫn người nằm dưới mộ đều yên lòng.

Tiếp đó, bằng nghĩa tình của những người cùng chung chiến hào, ông Hiếu làm đơn gửi các cơ quan chức năng đề nghị vào cuộc xác minh, trong đó có Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai. Ngày 10-10-2023, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai đã ra Quyết định số 1356/QĐ-SLĐTBXH về việc đính chính thông tin trên bia mộ liệt sĩ. Trong quyết định trên, Sở đã điều chỉnh thông tin mộ liệt sĩ Ngô Văn Lê (Ngô Văn Lệ) ở mộ số 103, hàng 6, lô 2D, khu 2 tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đak Đoa thành “Mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin”.

Ông Hiếu cho biết thêm, ngày 6-12-2023, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai cũng đã có công văn gửi ông Nguyễn Thành Tân (con trai liệt sĩ Nguyễn Lê, trú tại thôn Thế Thạnh, xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định). Nội dung công văn đề nghị ông Tân liên hệ với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Định để được hướng dẫn làm thủ tục, hồ sơ lấy mẫu sinh phẩm tại ngôi mộ trên để giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ Nguyễn Lê. “Thông tin này đã gợi mở và phần nào làm thỏa lòng thân nhân của gia đình liệt sĩ Nguyễn Lê. Và nhất là anh Ngô Văn Lệ đã chính thức được “trả lại tên” sau 45 năm có tên trên bia mộ tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đak Đoa. Như vậy, hành trình đi tìm kiếm hài cốt liệt sĩ Nguyễn Lê bước đầu đã có kết quả”-ông Hiếu hồ hởi nói.

“Trong chiến tranh, không gì là không thể”-ông Lệ đúc rút từ câu chuyện kỳ lạ của bản thân mình. Ông bảo, cứ tưởng sẽ phải chôn thân ở chiến trường Tây Nam bởi tính chất khốc liệt của cuộc chiến, nào ngờ lại được trở về. Thắp nén tâm hương cho bao đồng đội đang yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Đức Cơ, ông Lệ bâng khuâng: “Cao nguyên ngày nay thay da đổi thịt, rất náo nhiệt, không phải như xưa núi rừng hoang vu… Các anh nằm xuống để chúng tôi được sống. Chúng tôi quá may mắn. Mong hương hồn các anh sớm siêu thoát nơi cõi vĩnh hằng”.

Có thể bạn quan tâm