Động thái này được đưa ra trong lúc Line đang phải đối mặt với sự giám sát ngày càng tăng đối với các hoạt động quản lý dữ liệu, sau khi công ty bí mật cho phép bốn kỹ sư Trung Quốc truy cập thông tin người dùng.
Ảnh: Reuters |
Theo Nikkei, ứng dụng nhắn tin nổi tiếng Line hôm 23.3 cho biết đã ngăn các chi nhánh và nhà thầu Trung Quốc truy cập thông tin cá nhân của người dùng Nhật Bản. Line cũng sẽ chuyển một số dữ liệu được lưu trữ trong các trung tâm dữ liệu ở Hàn Quốc, bao gồm hình ảnh và video do người dùng Nhật Bản đăng tải.
Tuần trước, truyền thông Nhật Bản tiết lộ bốn nhân viên từ công ty liên kết Trung Quốc của Line có quyền truy cập bất hợp pháp thông tin về người dùng ở Nhật Bản, bao gồm tên, ID và số điện thoại. Line đã sử dụng các chi nhánh, nhà thầu của Trung Quốc và một công ty con địa phương thuộc công ty mẹ Naver ở Hàn Quốc để phát triển dịch vụ.
“Việc sử dụng các nhà thầu nước ngoài và lưu trữ dữ liệu ở nước ngoài đã được thực hiện một cách thích hợp. Nhưng vấn đề lớn là tên quốc gia không được nêu rõ ràng trong chính sách bảo mật của chúng tôi và đã có sự thiếu cân nhắc đối với người dùng”, Giám đốc điều hành Line Takeshi Idezawa nói trong cuộc họp báo hôm 23.3.
Ứng dụng nhắn tin có 86 triệu người dùng ở Nhật Bản, đến nay vẫn đang phải vật lộn với những câu hỏi về thực tiễn quản lý dữ liệu. Nhưng “rất may không có thay đổi lớn về số lượng người dùng”, ông Idezawa nói.
Theo luật bảo mật dữ liệu của Nhật Bản, các công ty khi muốn cung cấp dữ liệu cá nhân cho bên nước ngoài thì phải hỏi và phải được sự đồng ý của người dùng, trừ khi bên nước ngoài đáp ứng các tiêu chuẩn nhất định. Ủy ban Bảo vệ Thông tin Cá nhân (PIPC) của chính phủ Nhật Bản đã yêu cầu Line cung cấp thông tin để xác định xem các hoạt động của công ty có phù hợp với luật pháp hay không. Một số cơ quan chính phủ và thành phố của Nhật Bản đã bắt đầu thu hẹp lại việc sử dụng Line trong khi cuộc điều tra đang diễn ra.
Phản ứng dữ dội đối với sự việc trên là thử nghiệm lớn đầu tiên đối với Z Holdings do SoftBank kiểm soát, trước đây được gọi là Yahoo Nhật Bản, vừa hoàn thành việc sáp nhập với Line vào đầu tháng này. Giá cổ phiếu của Z Holdings hôm 23.3 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7.2020. Z Holdings cho biết đã thành lập một ủy ban đặc biệt để điều tra việc quản lý dữ liệu của Line, bao gồm cả sự tham gia của các chi nhánh Trung Quốc.
Việc giám sát kỹ lưỡng hoạt động quản lý dữ liệu của Line cũng đang đặt ra câu hỏi về việc làm thế nào mà các tổ chức Nhật Bản, trong đó nhiều tổ chức đang vật lộn với tình trạng thiếu kỹ sư phần mềm, lại thuê công ty nước ngoài việc quản lý thông tin nhạy cảm của người dùng trong nước. PIPC đang có kế hoạch khảo sát các công ty công nghệ Nhật Bản khác về vấn đề này.
Theo Phương Anh (TNO)