Đô thị

"Lỗ hổng" của Luật đất đai và dự án BT

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo chuyên gia, Luật đất đai 2013 đang bộc lộ nhiều “lỗ hổng” đặc biệt là vấn đề giá đất đối với các dự án BT khi chỉ có quy định về thẩm quyền giao đất dự án BT, chứ không quy định về định giá đất.

Phát biểu tại Hội thảo pháp luật và thực tiễn về tiếp cận đất đai của doanh nghiệp tại Việt Nam diễn ra ngày 27-6, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI) nhận định, tiếp cận đất đai là một trong những khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp để thực hiện các dự án đầu tư và sản xuất kinh doanh.

 

Theo chuyên gia, Luật đất đai 2013 đang bộc lộ nhiều “lỗ hổng”, bất cập nhất là vấn đề giá đất đối với các dự án BT.
Theo chuyên gia, Luật đất đai 2013 đang bộc lộ nhiều “lỗ hổng”, bất cập nhất là vấn đề giá đất đối với các dự án BT.

Trong quá trình thực thi Luật Đất đai, ngoài những kết quả đạt được nhằm tăng cường hiệu quả quản lý đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nhằm phục vụ phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh quốc phòng, Luật Đất đai năm 2013 hiện còn nhiều khó khăn, bất cập đến việc tiếp cận đất đai của doanh nghiệp.

Cụ thể, GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường cho hay, Luật đất đai có vai trò rất quan trọng trong thực hiện dự án BT nhưng chỉ có một điều quy định về thẩm quyền giao đất dự án BT, chứ không quy định về định giá đất.

Theo ông Đặng Hùng Võ, thẩm quyền giao đất vốn mặc nhiên là của UBND cấp tỉnh, cấp huyện, không cần quy định. Vấn đề của luật là phải xác định được giá trị đất đai mang đổi, ai có trách nhiệm kiểm toán kỹ thuật, xác định giá trị công trình mà nhà đầu tư đang làm. Đây là lỗ hổng dẫn tới sự bê trễ trong quản lý các dự án BT hiện nay. Cách thức quản lý giá trị đất trong Luật Đất đai 2013 cực kỳ yếu kém.

Dẫn chứng thêm về quản lý đất đai còn nhiều "lỗ hổng" trong Luật Đất đai, ông Đặng Hùng Võ đưa ra trường hợp nhiều cơ sở đất quốc phòng được bán cho các nhà đầu tư bất động sản nhưng cách thức bán đã diễn ra thế nào thì chưa rõ.

"Đem đất quốc phòng ra làm khu đô thị và cơ chế tài chính là gì? Bán trực tiếp hay vòng qua ngân sách? Không có quy định nào cả. Thất thoát ở đây rất nhiều", ông Võ nói.

Cùng với đó, tại tham luận của ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam nêu nhiều vấn đề bất cập về giá đất đối với các dự án BT. Giá đất khi giao đất cho chủ đầu tư thực hiện dự án hiện đang thực hiện theo giá do UBND cấp tỉnh ban hành thấp hơn rất nhiều theo giá thị trường gây thất thoát lãng phí đất đai chưa sở hữu toàn dân, làm lợi cho nhà đầu tư và một số người có chức, quyền liên quan thông qua cơ chế xin - cho.

Theo ông Hùng, điển hình giá đất khi giao các mảnh đất cho chủ đầu tư là nhà ở, khi di dời các nhà máy, biển báo, kho tàng rất thấp theo giá UBND tỉnh ban hành. Đất giao không qua đấu giá, không công khai minh bạch. Chủ đầu tư "chạy - xin - cho" để được có dự án hưởng lợi cực lớn.

Cũng theo ông Hùng, các dự án BT, giá công trình là giá giao cho chủ đầu tư lập nên rồi “thẩm định”, “xét duyệt” mà không đấu thầu. Trong khi giao đất lại không đấu giá mà lại giao giá chủ yếu dựa trên khung giá do UBND tỉnh ban hành, lại còn giảm hệ số cơ chế xin - cho, dẫn đến Nhà nước thiệt cả 2 đầu, nhà đầu tư lợi cả 2 đầu. Và cơ chế xin - cho này tạo điều kiện cho tham ô tham nhũng mà hàng loạt vụ án đang và sẽ xét xử, liên quan đến đất đai, dính đến nhiều cán bộ có chức, có quyền…

Nguyễn Lê/infornet

Có thể bạn quan tâm