Thời sự - Bình luận

Lộ trình ra sao khi EVN lại vừa đề nghị tăng giá điện

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Giá điện vừa tăng 3% từ ngày 4.5, chưa hết một chu kỳ thanh toán hàng tháng, EVN lại tiếp tục đề xuất cho phép được điều chỉnh giá bán lẻ điện từ ngày 01.9.2023 theo Quyết định sửa đổi Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg để bù đắp phần chi phí tăng thêm do các chi phí đầu vào tăng cao theo qui định, đảm bảo cân bằng tài chính cho EVN.

Giá điện vừa tăng 3% từ ngày 4.5, chưa hết một chu kỳ thanh toán hàng tháng, EVN lại tiếp tục đề xuất cho phép được điều chỉnh giá bán lẻ điện từ ngày 01.9.2023 theo Quyết định sửa đổi Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg để bù đắp phần chi phí tăng thêm do các chi phí đầu vào tăng cao theo qui định, đảm bảo cân bằng tài chính cho EVN.

Bù đắp sẽ là bao nhiêu để đảm bảo cân bằng tài chính cho EVN chính là câu hỏi mà mọi người quan tâm nhất lúc này. Khi mà, chính EVN khẳng định trong báo cáo rằng, dù đã được tăng 3%, cũng chỉ mang lại khoản doanh thu tăng 8.000 tỉ đồng trong các tháng còn lại của năm 2023.

Trong khi đó, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 của EVN lỗ 26.463 tỉ đồng. Cộng thêm kết quả 4 tháng đầu năm 2023 đã lỗ thêm 22.830 tỉ đồng. Như vậy, EVN dự kiến năm 2023 Tập đoàn này sẽ chịu khoản lỗ khoảng 40.884 tỉ đồng.

Khoản lỗ càng phình to được EVN lý giải do mức tăng giá bán điện 3% chưa thể cân đối được khoản chi phí mua điện. EVN dự báo khả năng còn lỗ, do đó để có cơ sở xem xét việc điều chỉnh tăng giá điện các lần tiếp theo trong thời gian tới, giá điện không tăng giật cục và có lộ trình, một loạt các điều kiện được EVN kiến nghị Chính phủ.

Giá điện vừa tăng, vật giá ngoài thị trường bắt đầu rục rịch nhích theo. Mỗi mớ rau, mỗi cọng hành chỉ nhích lên chỉ 1, 2 nghìn đồng. Nhưng tác động động ấy lại không hề nhỏ nếu so tỉ lệ. Chính Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Xuân Nam từng cho biết: “giá điện tăng 10% sẽ tác động vào CPI tăng 0,33%; tăng 5% thì CPI tăng 0,17%... Và nếu tính tác động tới giá thành các ngành sản xuất dùng nhiều điện như sản xuất thép, xi măng, giấy thì giá thành thép tăng khoảng 0,18%, giá thành xi măng tăng khoảng 0,45% và giá thành sản xuất giấy tăng khoảng 0,4%”.

Điện là mặt hàng đặc biệt và chỉ một cái “hắt hơi” của giá điện, chi phí đầu vào của gần như toàn bộ các ngành sản xuất cũng sẽ “giật mình” lao theo. Tăng 3%, ở thời điểm hiện tại, chắc hẳn chưa thể đo lường chính xác khi mới chưa tròn tháng. Và nếu “các lần tiếp theo”, một cách “có lộ trình, không giật cục”, diễn ra đúng như đề xuất theo kiểu cách nhau 4 tháng, chắc chắn cuộc sống người dân – đặc biệt là những người lao động nghèo, doanh nghiệp và chỉ số CPI cũng sẽ chịu ảnh hưởng theo hướng áp lực tăng dần, quen dần…

Trong Quyết định sửa đổi Quyết định 24/2017/QĐ-TTg, tại Điều 6 – Cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân trong năm, nếu giá bán điện bình quân cần điều chỉnh cao hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành từ 3% đến dưới 5% và trong khung giá quy định, EVN có quyền chủ động quyết định điều chỉnh. Nếu điều chỉnh cao hơn từ 5% đến dưới 10%, EVN được phép điều chỉnh tăng giá khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận.

Cuối cùng, giá bán điện bình quân cần điều chỉnh cao hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành từ 10% trở lên hoặc ngoài khung giá quy định hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, trên cơ sở hồ sơ phương án giá điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trình, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến.

Và một lộ trình dự báo đã nhìn thấy, khi trong báo cáo của mình, EVN kiến nghị từ Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tới Thủ tướng Chính phủ. Thời gian cũng rất cụ thể, từ 1.9.2023, chỉ còn mức độ tăng giá bán điện cụ thể bao nhiêu là chưa rõ mà thôi.

Tăng giá bán điện tương ứng với chi phí sản xuất là việc cần phải làm. Nhưng có lẽ, thứ cần nhất với EVN không phải chỉ tăng giá và tăng giá, mà là một bộ máy hoạt động năng suất, sử dụng đồng vốn đúng mục đích và có hiệu quả. Như Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu: EVN cần đánh giá kỹ hơn những tồn tại, hạn chế như chưa hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa, chưa đạt được mục tiêu thoái vốn….

Có thể bạn quan tâm