Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Loạt dự án trọng điểm đang tăng tốc lại 'vướng'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dù vận dụng rất nhiều cách làm mới, áp dụng cơ chế đặc thù, song nhiều dự án trọng điểm tại TP.HCM vẫn rơi vào tình trạng đang bứt tốc… lại vướng.

Vẫn là "nút thắt" mặt bằng

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (TCIP) TP.HCM vừa gửi văn bản tới UBND TP.HCM kiến nghị kịp thời gỡ khó cho công tác bàn giao mặt bằng phục vụ thi công dự án xây dựng mở rộng QL50 (H.Bình Chánh).

Dự án mở rộng QL 50 có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỉ đồng, khởi công năm 2022, nằm trong danh sách công trình trọng điểm, cấp bách nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng của khu Nam TP.HCM. Công trình bắt đầu từ đoạn giao với đường Nguyễn Văn Linh đến giáp tỉnh Long An, dài gần 7 km. Trong đó, hơn 4 km làm tuyến mới song hành QL 50, đoạn còn lại mở rộng đường hiện hữu từ 7 m lên 34 m, 6 làn xe.

Theo TCIP, hiện nay các nhà thầu đang khẩn trương thi công để thông tuyến đoạn song hành trong năm nay và hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2025 theo tiến độ thực hiện hợp đồng, cũng như chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP.

Dự án Vành đai 3 TP.HCM đang gặp khó về tiến độ

Dự án Vành đai 3 TP.HCM đang gặp khó về tiến độ

Trên tuyến song hành được triển khai trước với 4 gói thầu xây lắp, đến nay nhiều đoạn đã thành hình, giữ đúng tiến độ. Tuy nhiên, đoạn qua khu dân cư Gia Hòa có 3 căn nhà chắn nửa mặt đường, do DN tư nhân xây dựng và kinh doanh nhà Gia Hòa quản lý chưa hoàn thành bồi thường cho người dân. Một vị trí khác qua khu dân cư Phong Phú 4, đoạn giáp đường Trịnh Quang Nghị cũng còn 8 căn nhà chắn toàn bộ mặt đường, do Công ty TNHH MTV đầu tư kinh doanh nhà Khang Phúc quản lý chưa hoàn tất đền bù. Phía chủ đầu tư nhận định 2 đoạn bị vướng mặt bằng này có nhiều khó khăn về thủ tục pháp lý, dự kiến việc bàn giao sẽ kéo dài, nguy cơ ảnh hưởng tiến độ toàn dự án.

Đáng nói, thời điểm khởi công dự án vào cuối năm 2022, hơn 80% diện tích mặt bằng đã được bàn giao. Tuy nhiên, theo UBND H.Bình Chánh, những trường hợp còn lại do quá trình bồi thường gặp khó khăn vướng mắc pháp lý, thủ tục thu hồi đất.

Mốc tiến độ đã giao, đã cam kết thì cứ đúng thế mà làm. Làm không được thì kỷ luật, kỷ luật từ cấp dưới tới cấp trên, gắn với thi đua. Quyết tâm làm thật mạnh tay thì việc gì cũng sẽ chạy nhanh.

TS Dương Như Hùng (Trường ĐH Bách khoa TP.HCM)

Mới đây, UBND H.Bình Chánh đã tiếp tục bàn giao hồ sơ 21 trường hợp cho chủ đầu tư và cam kết sẽ hoàn thành giao 100% "đất sạch" trong tháng 5 để Ban Giao thông tiếp tục thi công.

Trước đó, Sở GTVT TP.HCM cũng yêu cầu chủ đầu tư là Công ty TNHH bất động sản Nguyên Phương cùng TCIP đẩy nhanh tiến độ thi công đường song hành cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (HLD), TP.Thủ Đức. Tuyến đường này có tổng mức đầu tư 869 tỉ đồng, khởi công năm 2017, dự kiến hoàn thành sau 24 tháng. Tuy nhiên, dự án bị vướng mặt bằng cũng như thủ tục thanh toán theo hợp đồng BT nên gần 6 năm khởi công mới hoàn thiện và thông xe đoạn từ nút giao An Phú (đường Nguyễn Thị Định đến Đỗ Xuân Hợp) dài gần 2,8 km. Đoạn 2 (từ đường Đỗ Xuân Hợp đến đường Vành đai 2) hiện nay chủ đầu tư chưa có mặt bằng sạch và vẫn đang chờ UBND TP.Thủ Đức giao đất để thi công.

Trong khi đó, Vành đai 3 là dự án lớn nhất, trọng điểm nhất của TP.HCM chưa giải quyết xong vấn đề thiếu cát, thiếu vật liệu xây dựng đã phát sinh thêm khó khăn trong công tác xử lý đất nền tại một số gói thầu, "dọa" đẩy dự án lùi đích thêm gần 1 năm.

Riêng với dự án đường Vành đai 3, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc TCIP, cho biết: Với hạng mục đường trên cao, có thể yên tâm do không phụ thuộc nhiều vào bổ sung nguồn cát vật liệu xây dựng. UBND TP đã có chỉ đạo, đôn đốc các nhà thầu tập trung trong tháng 4 này sẽ cung cấp lượng cát nhiều hơn cho dự án. Phía Tổ công tác của Chính phủ cũng có giải pháp căn cơ hơn cho các mốc tiến độ giai đoạn tiếp theo. Nhìn chung, mọi vướng mắc đều đã có giải pháp khả thi và tiến độ Vành đai 3 đang trong tầm kiểm soát.

Mặc dù vậy, ông Lương Minh Phúc cũng thừa nhận ngoài bài toán vốn, công tác phối hợp triển khai thì công tác bồi thường giải phóng mặt bằng vẫn đang là thách thức lớn đối với các dự án trọng điểm của TP. Phía nhà thầu, chủ đầu tư trong tâm thế sẵn sàng thi công, có mặt bằng tới đâu, thi công cuốn chiếu tới đó nhưng vẫn phụ thuộc nhiều vào tiến độ giao đất của địa phương.

Giao mốc tiến độ, phải đi cùng chế tài

Năm nay, áp lực giải ngân vốn đầu tư công của TP.HCM rất lớn, lên tới 79.263 tỉ đồng, chiếm phần lớn là các công trình hạ tầng giao thông.

Để đạt mục tiêu này, UBND TP.HCM yêu cầu các sở, ngành rút ngắn 30% thời gian làm thủ tục dự án, áp dụng nhiều cách làm mới, vận dụng triệt để cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 98 để các dự án giao thông thật sự được "phá rào". Thế nhưng, câu chuyện những dự án nêu trên cho thấy, đảm bảo các công trình giao thông về đích đúng tiến độ là hành trình không hề dễ dàng.

Ông Đ.T, đại diện một đơn vị đang làm chủ đầu tư một số dự án lớn, chia sẻ: Làm các công trình giao thông muốn tăng tốc thì buộc phải có sự vận động, thay đổi từ tất cả các khâu. Ví dụ, theo quy định, thời gian thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi là không quá 40 ngày nhưng lại tính từ ngày đơn vị thẩm định nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Tuy nhiên, thực tế có tình trạng các đơn vị trả hồ sơ hoặc chuyển lấy ý kiến nhiều nơi, sau đó lại chủ đầu tư đi tổng hợp ý kiến giải trình, rồi ký lại tờ trình. Lúc ấy mới tính lại thời gian từ ngày nhận tờ trình hoàn chỉnh. Nên nếu hồ sơ sai sót, thời gian xử lý rất dài, có khi mất cả nửa năm. Vì thế, các đơn vị thẩm định hồ sơ phải nâng cao tinh thần trách nhiệm khi xử lý, kịp thời hướng dẫn rõ ràng, mạch lạc về các nội dung tồn tại để bên trình hồ sơ có thể hoàn thiện nhanh nhất.

Cùng với đó, các cấp thẩm quyền cần tăng tính "chủ động" khi xử lý công việc. Không chờ đợi cấp dưới trình hồ sơ lên hay báo cáo vướng mắc mới xử lý, mà cần chủ động nắm bắt, "đoán bệnh" từ xa để giúp cơ sở xử lý công việc kịp thời, nhanh chóng.

Đồng tình, TS Dương Như Hùng, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nhận xét: TP từng nhiều lần quyết liệt yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần dứt điểm xử lý các công việc để mỗi dự án chạy nhanh, với khẩu hiệu "ai không làm, làm chậm sẽ bị thế chỗ". Song, thực tế các dự án vẫn nối đuôi nhau chậm tiến độ, trong khi chưa trường hợp các bộ nào bị thay thế hay phê bình, khiển trách cá nhân. Việc các dự án giao thông ở TP.HCM nói riêng cũng như trên cả nước nói chung thường có "điệp khúc" chậm tiến độ, theo ông Hùng, gốc rễ là từ cơ chế. Các chính sách, luật hiện nay có nhiều nhưng triển khai cụ thể thì lại chồng chéo, giẫm chân nhau.

"Nếu người đứng đầu TP đã quyết tâm, coi một dự án là cấp bách, phải làm đúng tiến độ thì giao trách nhiệm cho một cá nhân/đơn vị làm tổng phụ trách chung cho dự án. Cá nhân/đơn vị này phải có đủ quyền để điều phối, liên kết, giải quyết những vướng mắc từ tất cả các khâu. Mốc tiến độ đã giao, đã cam kết thì cứ đúng thế mà làm. Làm không được thì kỷ luật, kỷ luật từ cấp dưới tới cấp trên, gắn với thi đua. Quyết tâm làm thật mạnh tay thì việc gì cũng sẽ chạy nhanh", TS Dương Như Hùng nêu ý kiến.

Các địa phương cũng vất vả, cố gắng nhưng vẫn đòi hỏi cần quyết tâm hơn nữa để dứt điểm. Khối lượng giải phóng mặt bằng sắp tới rất lớn. Vành đai 2 đoạn 1 - 2, dự án cầu đường Nguyễn Khoái, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài… đều là những dự án lớn, trọng điểm và phần giải phóng mặt bằng vẫn là trăn trở lớn nhất.

Ông Lương Minh Phúc (Giám đốc TCIP)

Có thể bạn quan tâm