Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Lời khen

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khi làm được một việc tốt hay đạt được thành công nào đó trong học tập, sự nghiệp, cuộc sống nói chung, với mỗi người, đó là kết quả của sự nỗ lực, cố gắng trong cả một quá trình. Lời khen tặng của mọi người dành cho thành quả ấy không chỉ là sự động viên, khích lệ mà còn tiếp thêm niềm tin, động lực để mỗi người tiếp tục phấn đấu, quyết tâm cố gắng hơn.
Nghỉ hè, con gái tôi vừa dành thời gian để vui chơi, vừa đỡ đần ba mẹ việc nhà, từ nhặt rau, nấu cơm, rửa bát đến dọn dẹp nhà cửa. Hàng xóm ngang qua, ai nấy đều tấm tắc: “Con bé mới 9 tuổi mà giỏi thế!”. Nghe những lời khen tặng ấy, con thủ thỉ: “Nhận được lời khen giống như có được món quà quý ấy mẹ ạ”.
Lời con nói khiến tôi nhớ đến câu chuyện về cậu bé Khang bên hàng xóm. Khang năm nay 6 tuổi, khá lầm lì, ít nói, gặp người lớn, cậu ít khi nào mở lời chào. Thế mà cách đây mấy hôm, đang chơi bắn bi, thấy bạn bè vòng tay chào bà Mười đi ngang qua, cậu cũng ấp úng chào theo. Được bà Mười khen, cậu chàng sung sướng. Từ hôm sau, gặp ai, cậu cũng vui vẻ vòng tay chào hỏi. Lại nhớ, mới hôm qua đây, chồng tôi khoe tin nhắn của đồng nghiệp: “Nhờ có lời khen của cậu mà tớ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ cơ quan giao đúng thời gian quy định!”… Mọi lời khen chân thành đều mang đến những ý nghĩa tốt đẹp như thế.
William James từng nói: “Nguyên lý sâu xa nhất trong bản tính con người là sự khao khát được tán thưởng”. Tán thưởng hay khen ngợi được hiểu là sự khâm phục, tự hào, ngưỡng mộ nhằm ghi nhận, khích lệ, động viên tinh thần đối với người làm được điều hay, việc tốt. Sự ngợi khen, tán thưởng có 2 loại: tốt và xấu. Tuy nhiên, trong cuộc sống, phần nhiều những lời khen ta thường gặp đều mang ý nghĩa lành mạnh, tích cực, xuất phát từ trái tim chân thành, thực lòng.
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Lời khen dù thể hiện ra bằng lời nói hay cử chỉ, điệu bộ, nếu được sử dụng kịp thời sẽ trở thành sức mạnh giúp những ai đang đau khổ, thất bại; đang chênh vênh, lạc lối; đang buông xuôi, tuyệt vọng… có thể vượt qua khó khăn, nghịch cảnh để chạm tới ước mơ, mục tiêu của đời mình. Lời khen tốt không chỉ tốt cho người trao đi, cho người được nhận mà còn góp phần làm lan tỏa những giá trị nhân văn cao đẹp đến với tất cả mọi người.
Bất cứ điều gì trong cuộc sống cũng đều có hai mặt: tốt-xấu, đúng-sai, hay-dở. Lời khen cũng không ngoại lệ. Nếu lời khen tốt giống như liều thuốc bổ thì phía sau những lời khen giả tạo (tâng bốc, lấy lòng, nịnh bợ…) lại hàm chứa sự tiêu cực khôn lường. Hệ quả của lời khen này có thể gây ra sự mất mát, đau đớn, xót xa…; sự ảo tưởng, chủ quan, tự mãn và tất yếu sẽ dẫn đến vấp ngã, thất bại. Lời khen không đúng sẽ khiến con người đi ngược lại với những giá trị tốt đẹp vốn có, làm cho mối quan hệ giữa con người với con người trở nên rạn nứt, đứt gãy.
Ranh giới dễ nhận ra ở lời khen tốt so với lời khen xấu nằm ở sự chân thành, đúng hoàn cảnh; ở niềm vui của người khen và người được nhận. Người xưa nói: “Người chê ta mà chê phải là thầy ta, người khen ta mà khen phải là bạn ta, người nịnh ta là kẻ hại ta”. Lời khen chẳng mất tiền mua, nhưng cũng không vì thế mà chúng ta lạm dụng nó quá đà. Để lời khen thực sự có giá trị, mỗi người cần phải suy ngẫm kỹ càng trước khi khen; cần phải khen đúng mức, đúng thời điểm.
Hãy thử bắt đầu câu chuyện nào đó bằng một lời khen, đây thực sự là bí quyết cho một cuộc giao tiếp hiệu quả. Đừng tiết kiệm lời khen chân thành dành cho một ai đó thực sự xứng đáng. Vì “một lời khen tặng đúng lúc như sự tiếp sức, cổ vũ, định hướng cho bản thân đối với việc đang làm, con đường đang đi và tương lai đang hướng tới”.
LÊ THỊ XUYÊN
 

Có thể bạn quan tâm