Kinh tế

Giá cả thị trường

Lợi nhuận thấp hơn 20 lần, hồ tiêu lo bị sầu riêng 'thâu tóm'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đây là nỗi lo của các doanh nghiệp ngành hồ tiêu Việt Nam trước tình trạng xuất khẩu hồ tiêu tăng về lượng nhưng giảm về giá trị khiến lợi nhuận của loại cây trồng này giảm so với đối thủ không ngừng lớn mạnh là sầu riêng.

Ngày 23.11, tại TP.HCM diễn ra Hội nghị thường niên Nhóm đối tác công tư PPP về Hồ tiêu và cây gia vị. Hội nghị do Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật và các bên liên quan tổ chức.

Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch VPSA cho biết, năm 2023 là giai đoạn khó khăn của ngành hồ tiêu Việt Nam. Đến hết tháng 10, lượng xuất khẩu đạt trên 223.000 tấn, tăng đến gần 15% nhưng giá trị chỉ đạt gần 751 triệu USD, giảm gần 12% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân, do kinh tế khó khăn, nhu cầu tiêu thụ giảm dẫn đến giá giảm. Dự báo trong năm 2024 tình hình kinh tế vẫn tiếp tục khó khăn, ảnh hưởng tiêu cực đến ngành sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu.

Ngành hồ tiêu đang nỗ lực nâng cao chất lượng và tăng giá trị sản phẩm trước sự cạnh tranh gay gắt từ cây sầu riêng. Ảnh: T.N

Ngành hồ tiêu đang nỗ lực nâng cao chất lượng và tăng giá trị sản phẩm trước sự cạnh tranh gay gắt từ cây sầu riêng. Ảnh: T.N

Qua khảo sát trên 420 hộ nông dân trồng hồ tiêu ở các địa phương thì hầu hết bà con không có kế hoạch phát triển, mở rộng diện tích do lợi nhuận thời gian qua liên tục giảm. Chính vì vậy, cây hồ tiêu hiện rất khó cạnh tranh với các loại cây trồng khác, đặc biệt là sầu riêng. Hiện tại, lợi nhuận của cây hồ tiêu thấp hơn 20 lần so với sầu riêng, tính trên cùng đơn vị diện tích. Có lẽ đây cũng là lí do từ năm 2019 đến 2023, diện tích trồng hồ tiêu giảm dần đều từ 140.000 ha xuống còn 120.000 ha.

Thêm vào đó, các thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ và EU ngày càng áp dụng nhiều tiêu chuẩn quản lý dư lượng hóa chất trên sản phẩm hồ tiêu. Đây là thách thức lớn với ngành hàng này trong thời gian tới. Chính vì vậy, hoạt động của Nhóm đối tác công tư PPP nhằm thúc đẩy xây dựng ngành hồ tiêu bền vững từ vùng trồng và quá trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 75% sản phẩm hồ tiêu của Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường; có 25% nông dân trồng hồ tiêu sẽ có thu nhập tăng thêm 20%; 25.000 nông dân được tập huấn và tiếp cận dịch vụ nông nghiệp; 75.000 tấn hồ tiêu được sản xuất bền vững. Đáng chú ý, trong các mục tiêu trên thì đến năm 2023 Việt Nam có đến 120.000 tấn hồ tiêu sản xuất bền vững và 15% trong số này được sản xuất theo hướng giảm lượng nước sử dụng giảm phát thải khí nhà kính.

Có thể bạn quan tâm