Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Lời ru cho em

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi thường có một cảm giác rất nhẹ nhàng dễ chịu khi ngắm nhìn những em bé chấp chới đôi tay bụ bẫm, cười vui trong vòng tay mẹ. Với gia đình và xã hội, trẻ em luôn là những hạt mầm để nâng niu, gìn giữ và chúng ta vẫn thường dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em. Không nơi nào an toàn với một đứa trẻ bằng trong vòng tay mẹ. Được ở cạnh mẹ, dù sống trong bệnh tật hiểm nghèo, những em bé vẫn vui tươi hồn nhiên.
Thu hút giới truyền thông và đông đảo công chúng thời gian qua là câu chuyện của hai bé sinh đôi dính liền Diệu Nhi-Trúc Nhi. Khâm phục tài năng và sự cống hiến hết mình của đội ngũ y-bác sĩ, người ta còn ấm lòng và ngưỡng mộ trước sự dũng cảm và tình yêu thương dành cho con của đôi vợ chồng trẻ. Dẫu tương lai còn bao khó khăn, nụ cười các em trong vòng tay cha mẹ đã làm ấm lòng tất cả mọi người quan tâm.
Tôi từng nghe chuyện về những người dành bao nhiêu năm tháng tuổi trẻ của cuộc đời để mong tìm được một đứa con. Cũng có những người mẹ dù bệnh tật hiểm nghèo đã từ chối chạy chữa chỉ mong con được ra đời bình an và lành lặn như mọi đứa trẻ khác. Vì con, người mẹ nghèo có thể quên đi những nhu cầu cần thiết trong cuộc sống của mình, mong con được có thêm miếng ăn ngon, manh áo mới; mong con có cuộc sống hạnh phúc, bình an.
Tôi đã từng biết, một người mẹ hàng tháng phải bán máu để có tiền gửi cho con học đại học. Còn chuyện những người mẹ phải làm việc quần quật, thức khuya dậy sớm để con bằng bạn bằng bè thì không phải là chuyện hiếm...
Như một mẹ gà xòe cánh che con trước hiểm nguy, cha mẹ luôn là cây cao bóng cả tỏa bóng râm cho đời con. Hai tiếng mồ côi hẳn là từ đáng sợ nhất với tất cả những người con. Mồ côi là đắng cay, nhưng càng đau xót hơn khi một đứa trẻ biết ra thân phận của mình rằng chúng không thực sự mồ côi, rằng ba mẹ chúng đã bỏ rơi chúng khi họ vẫn còn sống. Cái đau đớn day dứt trước muôn ngàn dấu hỏi về nguồn cội sẽ luôn đeo bám đứa trẻ và vì vậy cái hạnh phúc cuộc đời của nó cũng không thể nào trọn vẹn.
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Mỗi lần đọc những tin về trẻ em bị bỏ rơi, trong tôi lại trào dâng niềm xót xa. Càng buồn hơn khi trên các trang tìm người thân là hình ảnh những đứa con bị lìa xa cha mẹ từ thuở lọt lòng. Dù đã được nhận nuôi, chăm sóc, yêu thương hay lớn lên từ những mái ấm tình thương thì những thân phận bị bỏ rơi luôn cảm thấy chơi vơi khi đủ nhận thức để biết ra sự thật và khao khát tìm cha mẹ, tìm lại cội nguồn luôn cháy bỏng.
Có những người mẹ phải lìa xa con vì hoàn cảnh, vì muốn con có cuộc sống ấm no hơn. Nhưng thiếu vắng tình thương ruột thịt là nỗi đau không thể lấp đầy và nếu được chọn lựa, chắc chắn những đứa trẻ sẽ chọn được lớn lên cùng những người có cùng huyết thống, những người đã cho các em nên vóc nên hình.
Trong công việc của mình, tôi từng được các em học sinh chia sẻ về những hoàn cảnh riêng tư. Với những em thiếu cha, xa mẹ, nỗi buồn đau thường đeo đẳng cả đời, dù các em đã trưởng thành. Tôi thường lặng lẽ nghe các em kể và khóc, rồi cũng chỉ biết lặng yên ngồi bên, mọi lời an ủi có lẽ là vô nghĩa trong những trường hợp này.
Tôi hiểu, cuộc sống có nhiều điều phức tạp. Những bậc làm cha mẹ không thể nhìn đứa con mình đứt ruột sinh ra lớn lên cũng là một bất hạnh, một lựa chọn khó khăn. Nhưng nếu vẫn còn cố gắng được thì xin đừng vội buông tay, vì trẻ con cần lời ru, vòng tay của cha mẹ hơn mọi thứ trên đời. Hạnh phúc với mỗi người vốn không dễ dàng, nó cần sự nâng niu, trân trọng, gìn giữ và hạnh phúc đầu đời của những đứa con chính là cha mẹ.
NGUYỄN THỊ THÚY ÁI

Có thể bạn quan tâm