Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Lời thì thầm của gốm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sáng 12.9 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, triển lãm Lời thì thầm bằng chất liệu gốm khai mạc, giới thiệu hàng trăm tác phẩm tuyển chọn của hai họa sĩ Ngô Trọng Văn và Nguyễn Thị Dũng.
 

 Tác phẩm Bình trà của họa sĩ Nguyễn Thị Dũng - Ảnh: Q.Trân
Tác phẩm Bình trà của họa sĩ Nguyễn Thị Dũng - Ảnh: Q.Trân


Tại triển lãm này, họa sĩ Ngô Trọng Văn mang tới bộ Nguyệt dạ, gồm 8 tác phẩm với nhiều loại kích cỡ khác nhau, thể hiện ý niệm hoàn chỉnh về tính nữ trong quan niệm của ông. “Đó là vẻ đẹp tròn trịa, dịu dàng, mềm mại, luôn ẩn chứa những câu chuyện đầy tính thân phận, nỗi cô đơn, tính kiên nhẫn và sự hy sinh thầm lặng. Khác với nam giới, phái đẹp như bông hoa quỳnh không dễ phô diễn, lúc nở đẹp nhất, tỏa sáng nhất lại rơi vào những thời khắc ngặt nghèo hoặc bối cảnh, không gian éo le nên chưa chắc được nhiều có dịp người chiêm ngưỡng. Chính giá trị lặng thầm mà vô cùng quyến rũ ấy mà tính nữ luôn giữ một quyền lực mềm khiến cho một nửa còn lại của thế giới luôn say đắm”, Ngô Trọng Văn chia sẻ.

Còn họa sĩ Nguyễn Thị Dũng mang tới Lời thì thầm hàng chục bộ gốm, mỗi bộ có nhiều loại “không đụng hàng” hy vọng gây thích thú cho người xem. Thế mạnh men, màu và tính sáng tạo liên tục đã khiến Dũng nổi bật trong việc đưa các sản phẩm gốm thông dụng trở thành những tác phẩm nghệ thuật, có tính thực tế cao. Trong số các tác phẩm thì chiếc bình trà, đối với Dũng là khó nhất trong kỹ thuật gốm, vì phải nhanh, nhất quán, không được bỏ qua các “giai đoạn vàng” trong chế tác. Màu sắc của ly, bình trà, tống, khay… phải thống nhất. Đã vậy, người họa sĩ muốn làm bình trà đẹp, cảm xúc phải đủ thăng hoa thì mới gửi gắm hồn mình vào đó.

Họa sĩ Ngô Trọng Văn và Nguyễn Thị Dũng tốt nghiệp Trường Mỹ thuật trang trí Đồng Nai và đều là hội viên Hội Mỹ thuật TP.HCM. Lời thì thầm qua những tác phẩm gốm của hai họa sĩ diễn ra từ 12 - 21.9 tại 97A Phó Đức Chính, Q.1, TP.HCM.

Theo LÊ CÔNG SƠN (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm